Ngày 13/3/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ. Việc thành lập Quỹ đã được Bộ GTVT và nhiều cơ quan nghiên cứu, đề xuất từ nhiều năm nay. Quỹ này sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vốn trầm trọng cho bảo trì đường bộ hiện nay.
Những nguyên tắc của Quỹ bảo trì đường bộ
Như vậy, căn cứ theo quy định của Điều 47 Luật GTĐB, ngày 13/3 vừa qua Thủ tướng chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ.
Chính phủ thành lập Quỹ tạo nguồn lực bảo trì đường bộ đáp ứng nhu cầu thực tế. |
Theo đó, Quỹ bảo trì đường bộ là Quỹ của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Quỹ được thành lập ở cấp Trung ương gọi là Quỹ trung ương và được thành lập ở cấp tỉnh gọi là Quỹ địa phương.
Nguồn hình thành Quỹ bao gồm: phí sử dụng đường bộ thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: Xe ô tô; máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm cho Quỹ (Ngân sách trung ương cấp bổ sung cho Quỹ trung ương; ngân sách cấp tỉnh cấp bổ sung cho Quỹ địa phương). Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật cũng là nguồn hình thành Quỹ. Như vậy, với Nghị định này, đề xuất đưa vào giá xăng thêm 1.000đ/lít chi phí sử dụng đường bộ để tạo nguồn cho Quỹ bảo trì đã không được chấp nhận.
Nguyên tắc phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ là: Phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ của địa phương đó. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với ô tô phân chia cho Quỹ trung ương 65%, cho các Quỹ địa phương 35%. Trên cơ sở số kinh phí phân chia cho các Quỹ địa phương nêu trên, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương phân chia kinh phí cho từng Quỹ địa phương căn cứ vào chiều dài đường bộ của địa phương, số xe ô tô quy chuẩn đăng ký tại địa phương và hệ số khó khăn về nguồn thu của từng địa phương. Trong trường hợp cần thiết, giao Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ phân chia cho Quỹ trung ương, Quỹ địa phương phù hợp với từng thời kỳ căn cứ đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính.
Quỹ trung ương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống quốc lộ. Quỹ địa phương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ địa phương, do địa phương chịu trách nhiệm bảo trì, quản lý theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Nội dung chi của Quỹ bao gồm 4 đầu mục: Chi bảo trì công trình đường bộ; Chi cho các nhiệm vụ quản lý công trình đường bộ; Chi hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ; Các khoản chi khác có liên quan đến bảo trì và quản lý công trình đường bộ do Hội đồng quản lý quỹ quyết định.
Phí đường bộ thu theo năm trên đầu phương tiện
Nghị định số 18 quy định phí đường bộ sẽ thu trực tiếp theo đầu phương tiện cơ giới đường bộ gồm cả ô tô, mô tô. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành mức phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện đối với ô tô và khung mức phí đối với mô tô. Mức phí cụ thể với mô tô sẽ do UBND cấp tỉnh ban hành.
Qũy Bảo trì đường bộ ra đời sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vốn trầm trọng cho bảo trì đường bộ hiện nay. |
Theo Tổng cục Đường bộ VN, 3 nguồn thu tạo Quỹ Bảo trì được quy định tại Nghị định này có ưu điểm là thu đúng đối tượng sử dụng đường bộ, không gây tác động bất lợi cho các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, phương án này còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức thu phí đối với mô tô, xe máy vì chi phí cao, có khả năng thất thu.
Quản lý tài chính Quỹ
Hàng năm, Hội đồng Quản lý Quỹ lập kế hoạch tài chính thu chi (trong đó xác định rõ phần ngân sách Nhà nước bổ sung) gửi cơ quan GTVT và Tài chính cùng cấp. Cơ quan GTVT xem xét, tổng hợp phần ngân sách bổ sung cho Quỹ vào dự toán Ngân sách Nhà nước của cơ quan mình, gửi cơ quan Tài chính cùng cấp để xem xét trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo Luật Ngân sách Nhà nước. Căn cứ số thu của Quỹ và kinh phí ngân sách nhà nước cấp bổ sung, HĐQL Quỹ có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch thu, chi tài chính của Quỹ gửi cơ quan GTVT, Tài chính, Kho bạc Nhà nước theo quy định.
Các đơn vị được giao quản lý kinh phí của Quỹ có trách nhiệm đấu thầu, đặt hàng giao kế hoạch cho các đơn vị thực hiện bảo trì, quản lý công trình đường bộ. Kho bạc Nhà nước kiểm soát các khoản chi từ Quỹ tương tự như các khoản chi từ ngân sách Nhà nước. Cuối năm nguồn kinh phí chi không hết được chuyển sang năm sau.
Nghị định quy định rõ Bộ GTVT có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng và tổ chức công tác quyết toán Quỹ trung ương theo quy định. Đồng thời chủ trì xem xét đề xuất của Hội đồng Quản lý quỹ về điều chỉnh các quy định liên quan đến nguồn thu và việc sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ để ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ phân chia nguồn thu thu phí sử dụng đường bộ giữa Quỹ Trung ương và địa phương cho phù hợp với từng thời kỳTệp đính kèm: 18ND.pdf
Theo Báo GTVT