Trang

Thông báo

21/8/12

Đường hư, sửa mãi


Đoạn quốc lộ 1 qua đèo Quán Cau, huyện Tuy An (Phú Yên) đang là nỗi ám ảnh của những người qua đây, bởi đường hư nặng nhưng việc sửa chữa kéo dài làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Mặt đường qua đèo Quán Cau quá nguy hiểm cho người và xe qua lại - Ảnh: Hoài Trung
Chỉ dài hơn 1km nhưng mặt đường qua đèo Quán Cau bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều ổ gà, ổ voi, lại biến dạng vồng lên như luống khoai. Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Khu quản lý đường bộ V làm chủ đầu tư dự án sửa chữa cục bộ, thảm tăng cường bêtông nhựa mặt đường đoạn qua đây với kinh phí 11,4 tỉ đồng. Công trình do Công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên thi công, được triển khai từ giữa tháng 5-2012, theo kế hoạch phải hoàn thành sau ba tháng.
Đến nay, thời hạn hợp đồng đã hết nhưng việc sửa chữa vẫn chưa xong, mặt đường qua đèo Quán Cau bị đào xới ngổn ngang với nhiều ô hình chữ nhật, mỗi ô cách nhau khoảng 100m, xung quanh đóng cọc, giăng dây làm cho mặt đường vốn đã hẹp nay càng hẹp hơn.
Ban ngày, các loại xe qua lại xếp thành từng hàng dài theo sự hướng dẫn của người làm nhiệm vụ điều tiết giao thông. Còn ban đêm, mạnh ai nấy chạy nên đã xảy ra dồn ứ, va chạm giao thông. Nguy hiểm nhất là những người đi xe máy khi phải đi sát các loại xe tải, luồn lách để tìm cách vượt lên phía trước khi không muốn hít bụi và khói của xe lớn.
Anh Trần Lê Vĩnh, nhà ở xã An Cư, huyện Tuy An, lo ngại: “Mỗi lần qua đèo Quán Cau, tôi lại thấy ớn lạnh vì mặt đường bị đóng cọc, xe dồn nhiều quá”. Còn anh Đặng Văn Thịnh, tài xế xe buýt, cho hay: “Suốt ba tháng qua, mỗi khi qua lại đèo Quán Cau tôi thấy quá căng thẳng vì đường xấu, xe cộ đông đúc rất dễ xảy ra tai nạn giao thông”.
Ông Nguyễn Thành Trí, giám đốc Sở Giao thông vận tải Phú Yên, thừa nhận đèo Quán Cau là nơi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nhưng việc sửa chữa hư hỏng mặt đường lại quá chậm, công tác bảo đảm an toàn giao thông của nhà thầu thi công cũng chưa được quan tâm đúng mức trong khi số lượng xe qua lại rất nhiều.
Ông Phạm Văn Hóa, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên, cho rằng do dự án chậm triển khai nên qua hai mùa mưa bão, khối lượng hư hỏng phát sinh lớn gấp ba lần so với khối lượng và tổng mức đầu tư được duyệt.
Trong khi đó, kể từ đầu tháng 6-2012, Bộ Xây dựng không cho phép các dự án được vượt tổng mức đầu tư nên chủ đầu tư phải cắt giảm khối lượng, đồng thời thay đổi giải pháp kỹ thuật thi công từ mặt đường bêtông nhựa sang kết cấu cấp phối đá dăm gia cố ximăng. “Để thực hiện được kết cấu này, công ty phải chờ 14 ngày để bêtông đạt cường độ nên không thể hoàn trả mặt đường ngay như khi thi công bêtông nhựa. Chúng tôi đang xin gia hạn thi công thêm 45 ngày nữa” - ông Hóa nói.
Theo HOÀI TRUNG báo tuoitre