Trang

Thông báo

31/12/12

Xóa 17 trạm thu phí cầu đường từ 1/1/2013

Liên quan đến việc xóa, dừng thu phí đối với 17 trạm thu phí sử dụng đường bộ trên hệ thống quốc lộ kể từ 0g ngày 1/1/2013, ông Lê Đình Thọ - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết hiện đơn vị này đã có phương án xử lý lao động, tài sản và vé tồn ở các trạm thu phí này.
Lao động ở các trạm thu phí bị xóa bỏ sẽ giải quyết theo phương án chuyển một số sang các công ty quản lý, xây dựng đường bộ, một số cho nghỉ chế độ. Ông Thọ cho biết thực tế các lao động ở trạm thu phí là lấy từ các công ty quản lý, xây dựng đường bộ sang làm việc, bây giờ lại chuyển về công ty. Còn vé tồn ở các trạm sẽ thu hồi xử lý theo quy định.
Theo quyết định của Bộ GTVT, 17 trạm thu phí sử dụng đường bộ bị xóa, dừng hoạt động khi quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động từ 1/1/2013 là các trạm thu nộp ngân sách nhà nước và một số trạm thu phí đường bộ trả nợ vay. Theo đó, trên quốc lộ (QL) 1 sẽ có bảy trạm xóa, dừng thu phí gồm: trạm cầu Lường, trạm cầu Gianh, trạm Đông Hà, trạm Phú Bài, trạm Bắc Hải Vân (km0+185 hầm Hải Vân), trạm Cam Thịnh và trạm Mỹ Thuận. Các trạm còn lại gồm: trạm Ba Chẽ (QL 18), trạm số 4 (QL 14), trạm Gò Dầu (QL 22A), trạm cầu Trung Hà (QL 32), trạm cầu Bình (QL 37), trạm Lộ Tẻ (QL 80), trạm M’Đrắk (QL 26), trạm Nhơn Tân (QL19), trạm KDang (QL19), trạm Buôn Hồ (QL 14).
 - 1
Từ 1/1/2013, trạm thu phí Một Dừng trên quốc lộ 14 sẽ dừng thu phí - Ảnh: T.B.D.
Tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông sẽ có ba trạm thu phí bị xóa gồm: trạm thu phí số 4 (còn gọi là trạm Đắk Gằn, đóng trên QL 14 đoạn qua xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), trạm thu phí Một Dừng Buôn Hồ (đóng trên quốc lộ 14 thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) và trạm thu phí M’Đrắk (đóng trên QL 26, thị trấn M’Đrắk, Đắk Lắk). Đại diện Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Đắk Lắk (Khu quản lý đường bộ 5, Bộ GTVT) - đơn vị quản lý trạm thu phí số 4 và trạm Một Dừng Buôn Hồ - cho biết hai trạm này bắt đầu thu phí từ các năm 1998 và 1999. Theo kế hoạch ban đầu, trạm thu phí Một Dừng Buôn Hồ sẽ được giữ lại để lấy kinh phí phục vụ dự án nâng cấp và mở rộng tuyến QL 26 đoạn đi qua xã Hòa Đông (TP Buôn Ma Thuột) nhưng Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo dừng hai trạm này.
Ông Nguyễn Minh Tiến - giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ 26 (từ Đắk Lắk về Khánh Hòa), đơn vị quản lý trạm thu phí M’Đrắk - cho biết cũng đã nhận được chỉ đạo của Bộ GTVT về việc dừng thu phí trên QL 26. “Từ 1/1, chúng tôi sẽ tháo dỡ hệ thống cơ sở vật chất tại đây để bảo đảm lưu thông đường bình thường trở lại” - ông Tiến nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên - Huế, nói rằng khá bất ngờ trước quyết định dừng thu phí tại trạm Bắc Hải Vân (nằm ở phía bắc cửa hầm đường bộ Hải Vân) của Bộ GTVT. Theo ông Tuấn, trước mắt công ty sẽ duy trì một tổ túc trực 24/24 giờ để bảo vệ tài sản trong thời gian chờ tháo dỡ công trình trạm thu phí, đồng thời ngăn chặn xe máy và các loại ôtô thuộc diện không được lưu thông vào hầm đường bộ Hải Vân.
Cùng thời điểm này, các trạm thu phí cầu Gianh (Quảng Bình), Đông Hà (Quảng Trị) và Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) cũng ngừng hoạt động. Như vậy, trên tuyến QL 1 từ Quảng Trị đến hầm Hải Vân không còn trạm thu phí nào hoạt động.
Riêng các trạm thu phí BOT (dự án thực hiện theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vẫn tồn tại theo thời hạn hợp đồng để hoàn vốn đầu tư cầu đường cho nhà đầu tư. Theo Bộ GTVT, các trạm BOT có trách nhiệm trích chi phí từ số phí thu được của các trạm này để bảo trì công trình BOT. Còn việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện cho quỹ bảo trì đường bộ chỉ dùng bảo trì các tuyến QL, đường địa phương.

18/12/12

Thu phí trước, điều chỉnh sau

TT - Tại hội nghị triển khai nghị định 18 và thông tư 197 về thu phí bảo trì đường bộ ngày 17-12, ông Nguyễn Hồng Trường - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), phó chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ trung ương - đề nghị các địa phương chấp hành thu theo quy định từ ngày 1-1-2013.
Từ ngày 1-1-2013, phí đường bộ không còn thu qua trạm thu phí nhưng chỉ có 17 trạm Nhà nước đóng cửa. Các trạm BOT như trạm thu quốc lộ 51 này vẫn hoạt động - Ảnh: Quang Định
Ông Trường cũng đề nghị các hiệp hội vận tải, địa phương tạm thời chưa kiến nghị những vấn đề mới, tránh những ý kiến trái chiều dẫn đến việc thực hiện lúng túng.
Còn nhiều trăn trở
Tại hội nghị, ông Bùi Danh Liên - chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội - ủng hộ chủ trương thu phí bảo trì đường bộ để nâng cao chất lượng đường sá. Tuy nhiên, ông Liên cho biết đã nhận được nhiều văn bản của các hiệp hội vận tải địa phương kiến nghị xem xét lại mức phí với rơmooc. Theo ông Liên, bối cảnh kinh tế khó khăn, những công ty có hàng loạt rơmooc thiết kế chở ôtô, nằm dài cả năm không chạy chuyến nào vì không có hàng hóa. Ông Liên đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét để có “bước lùi” thu phí lại một năm hoặc giảm mức thu phí khoảng 30% của rơmooc so với xe đầu kéo, vì phải có đầu kéo rơmooc mới chạy được.
Ông Liên cũng nêu thiếu sót về việc miễn thu phí xe máy đối với hộ nghèo. “Trong phụ lục thông tư 197 không có biên bản xác nhận miễn cho hộ nghèo. Nếu không có văn bản này thì ra đường xe máy sẽ bị phạt 800.000-1,2 triệu đồng vì chưa nộp phí bảo trì đường bộ. Vì vậy, Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương làm tem dán lên xe xác nhận xe của hộ nghèo. Thông tư quy định miễn phí thu xe máy của hộ nghèo nhưng mỗi hộ nghèo có 2-3 xe máy rẻ tiền thì có miễn toàn bộ hay chỉ một xe?” - ông Liên đặt câu hỏi.
Việc thu phí ôtô theo kỳ đăng kiểm 3 - 6 - 9 tháng và 1 năm cũng chưa phù hợp với tình hình doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn hiện nay. “Nếu thu theo chu kỳ 3 hay 6 tháng mỗi xe đóng hơn 1 triệu đồng/tháng thì doanh nghiệp có hàng trăm xe sẽ rất khó khăn trong khi còn phải đóng các loại thuế khác. Đề nghị xem xét đối với xe kinh doanh vận tải nên cho áp dụng thu phí theo từng tháng để giảm áp lực đóng 3-6 tháng/lần” - ông Hoàng Văn Tản, phó tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Tản đề nghị Bộ GTVT công bố danh sách các trạm thu phí sẽ dừng hoạt động khi thực hiện quỹ bảo trì, giúp doanh nghiệp tránh bị động trong việc tính toán giá cước từng tuyến vận tải để ký hợp đồng với khách hàng khi năm 2013 đã cận kề. Đồng thời nên bỏ cả những trạm đã bán quyền thu phí để tránh phí chồng lên phí.
Ông Nguyễn Văn Thanh - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - nêu những thắc mắc: “Xe không hoạt động vì thiếu hàng có được miễn phí không? Nếu xe không hoạt động mà gửi sổ đăng kiểm cho cơ quan đăng kiểm giữ thì có được giảm không?”.
Sau 3-6 tháng mới điều chỉnh phát sinh
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết do tình hình kinh tế khó khăn, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng cho lùi thời hạn thực hiện bảy tháng đến ngày 1-1-2013 mới thu, thay vì 1-6-2012. Việc lùi thời hạn đã thực hiện nên bây giờ phải chấp hành đúng quy định. “Còn trong quá trình thực hiện quỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi trên tinh thần đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ nếu điều chỉnh thì phải sau 3-6 tháng thực hiện thu quỹ để tổng hợp những bất cập, phát sinh. Trước mắt cứ thực hiện rồi điều chỉnh sau” - ông Trường cho biết.
Theo ông Trường, chi phí cho việc thu phí được quy định ở mức thấp nhất. Nếu thu theo tháng sẽ in thêm tem phiếu, chứng từ, chi phí tăng lên. “Quy định chỉ cho thời gian chậm nộp phí vài ba ngày, nếu quá 3-4 ngày không đóng phí CSGT sẽ phạt, lúc đó tiền phạt còn lớn hơn số tiền thu hằng tháng. Chu kỳ thu theo đăng kiểm 3, 6, 9 tháng và 1 năm là tương đối phù hợp để giảm chi phí in ấn, thời gian doanh nghiệp mang xe đến cơ quan đăng kiểm để nộp phí, dán tem. Còn trong trường hợp những doanh nghiệp có số lượng phương tiện lớn muốn đóng mỗi tháng một lần thì Hội đồng quỹ trung ương giao cơ quan đăng kiểm xem xét và đưa vào hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên, bên nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm”.
Ông Trường cho biết trước đây thu phí giao thông qua xăng dầu nhưng không thành công vì giá xăng dầu thay đổi liên tục. Thu qua xăng dầu nhiều khi hòa vào ngân sách nên tách ra dùng bảo trì đường bộ rất bị động. Thứ hai là không công bằng với các đối tượng sử dụng xăng dầu ngoài đường bộ khi 90% xăng dùng vào đường bộ nhưng dầu chỉ dùng 40% nên hoàn phí rất phức tạp.
Về số lượng trạm thu phí bị bãi bỏ, ông Trường cho biết chậm nhất ngày 25-12 sẽ có số lượng cụ thể và công bố công khai. Ngoài các trạm nộp ngân sách nhà nước dừng thu, hiện có năm trạm bán quyền thu phí theo hình thức đấu giá để lấy tiền đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó trạm Bãi Cháy đến tháng 6-2015 sẽ kết thúc hợp đồng, bốn trạm còn lại kết thúc trong năm 2013 và 2014. “Số tiền bán trạm đã sử dụng trước để sửa chữa đường bộ nên giờ tiếp tục thu để bù lại số tiền đó. Nếu dừng thu sẽ mất cân đối nguồn tổng thể trong quỹ bảo trì. Chúng tôi đã xin ý kiến Chính phủ, Bộ Tài chính dừng thu khi hết hợp đồng” - ông Trường lý giải.
Ông Trường đề nghị lãnh đạo các sở GTVT dự hội nghị báo cáo với lãnh đạo tỉnh để lập hội đồng quỹ ở địa phương, tuyên truyền cho người dân rõ chủ trương. “Xe máy trước đây thu qua trạm thu phí nhưng gây ách tắc giao thông và Chính phủ đã bỏ thu. Lần này thu lại để nâng chất lượng các tuyến đường địa phương. Hiện cả nước có 35 triệu xe nên có khoản thu không nhỏ cho duy tu bảo dưỡng đường địa phương” - ông Trường cho biết.
TUẤN PHÙNG tuoi tre
Xe máy đóng từ 50.000-150.000 đồng/năm
Thông tư 197 do Bộ Tài chính ban hành quy định phí sử dụng đường bộ đối với ôtô được thu theo đầu xe thông qua chu kỳ đăng kiểm. Mức thu thấp nhất áp dụng với ôtô chở người dưới 10 chỗ là 130.000 đồng/tháng. Mức thu cao nhất được áp dụng với nhóm xe tải, ôtô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên là 1,04 triệu đồng/tháng.
Đối với xe máy, mức thu với xe có dung tích xilanh đến 100cm3 từ 50.000-100.000 đồng/năm, dung tích xilanh trên 100cm3 thu từ trên 100.000-150.000 đồng/năm. Căn cứ mức thu này, HĐND cấp tỉnh quy định mức thu cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Riêng xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ một xilanh áp dụng mức thu 2,16 triệu đồng/năm. UBND cấp xã, phường là cơ quan thu phí đối với xe máy trên địa bàn.

6/12/12

Nghị Định số : 103/2012/NĐ-CP ngày 04-12-2012 của Chính Phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp. Các anh em kehoachcdv hãy lưu ý khi làm hồ sơ các công trình kể cả duy tu Quý 1-2013.
Trần Đình Nam xin thông báo !

1/12/12

Chủ xe ôtô đóng phí đường bộ 130.000 đồng một tháng

Từ ngày 1/1/2013, mức thu phí sử dụng đường bộ áp dụng với xe máy từ 50.000 đến 150.000 đồng mỗi năm, tùy theo dung tích xy lanh; ôtô đóng từ 130.000 đến 1,04 triệu đồng một tháng.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư về chế độ thu, nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Theo đó, chủ phương tiện xe máy, ôtô đều phải nộp loại phí này, trừ các loại xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng, xe phục vụ an ninh, xe máy của hộ nghèo.
Với ôtô, mức phí thấp nhất là 130.000 đồng một tháng, áp dụng cho xe dưới 9 chỗ. Mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng dành cho xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn. Chủ xe ôtô đóng phí theo chu kỳ đăng kiểm tại cơ quan đăng kiểm. Sau khi nộp phí, cơ quan này sẽ dán Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp.
Chủ phương tiện phải đóng phí từ 1/1/2013. Ảnh: Hoàng Hà.
Chủ phương tiện phải đóng phí từ 1/1/2013. Ảnh: Hoàng Hà.
Mức thu 50.000 đồng một năm được áp với xe máy dưới 100cc; xe có dung tích trên 100cc được áp khung phí từ 100.000 đến 150.000 đồng. UBND cấp tỉnh, thành sẽ quyết định mức thu phù hợp với địa phương mình. Chủ xe máy nộp phí thông qua UBND xã, phường, thị trấn. Đối với xe máy lưu hành trước 1/1/2013 thì sẽ thực hiện kê khai từ thời điểm đó, còn xe lưu hành sau ngày này, chủ phương tiện phải kê khai theo nộp phí theo chu kỳ 6 tháng.
Để phục vụ công tác thu phí, Bộ Tài chính cho phép các cơ quan thu phí đường bộ của ôtô được trích lại 1% số tiền và cơ quan thu phí của xe máy được để lại không quá 10%.
Trước khi ban hành quy định về phí sử dụng đường bộ, Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến tham gia của 58/80 cơ quan, tổ chức. Trong đó, hầu hết thống nhất với sự cần thiết ban hành và nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư. Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng tình về mức phí đối với xe rơ moóc sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải... Cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh giảm mức thu phí đối với xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc xuống bằng 60% mức thu đối với xe tải cùng trọng tải (dự thảo quy định bằng 70%). Bên cạnh đó, bổ sung quy định không thu phí đối với xe máy điện, miễn thu phí đối với xe máy của các hộ nghèo.
Việt Nam hiện có khoảng 35 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, mỗi năm số tiền thu từ đầu ôtô trong cả nước đạt hơn 6.800 tỷ đồng; tiền thu được từ 50% số môtô, xe máy đã đăng ký sẽ đạt 2.400 tỷ đồng. Đây sẽ nguồn quỹ đáng kể phục vụ cho công tác bảo trì đường bộ.
Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ đã được Chính phủ ban hành từ tháng 3, có hiệu lực từ 1/6. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới đời sống người dân, Chính phủ đã quyết định lùi thời gian thu phí này sang ngày 1/1/2013.
theo VNEXPRESS