Trang

Thông báo

27/12/11

Quản lý bảo trì đường bộ cần sự thay đổi lớn

Đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì đường sá là đòi hỏi đã đến mức độ bức thiết. Tinh thần của Bộ GTVT là triển khai ngay trong kế hoạch công tác của Tổng cục ĐBVN những bước đi cụ thể mạnh mẽ, đổi mới toàn diện và tiến tới hiện đại hóa công tác này một cách cơ bản qua các năm 2012, 2013, 2014.
Không thể không thay đổi
Công tác quản lý bảo trì đường bộ hiện đang áp dụng được cho là quá lạc hậu, bị động, hiệu quả thấp. 
Nhận thức về đầu tư cho bảo trì đường sá chưa đầy đủ, khiến nhiều chục năm nay bảo trì không được coi trọng và đầu tư rất thấp.
Cơ chế quản lý đường sá không theo tính chất đặc thù của công tác, không khuyến khích tính chủ động của người công nhân khiến các hư hỏng của đường sá không được ngăn chặn kịp thời, khối lượng sửa chữa phát sinh lớn.  
Sẽ tách riêng quản lý Nhà nước và thực hiện duy tu bảo trì
Sẽ tách riêng quản lý Nhà nước và thực hiện duy tu bảo trì

Việc xây dựng kế hoạch khá xa thực tế do thiếu hệ thống thông tin theo dõi đường sá và thiếu tiền nên làm theo kiểu hỏng chỗ nào sửa chỗ đó chứ không theo quy trình kĩ thuật. 1km đường bộ có 500 chiếc đinh phân làn đường, song định mức sửa chữa thường xuyên chỉ có thể cho phép thay 0,2 đinh/năm, 3 tháng mới phát cỏ, khơi rãnh/lần, 10 năm mới có thể sơn hết 1 lượt tường hộ lan (trong khi tuổi thọ của sơn chỉ 2 năm). 
Có đến 66% chi phí bảo dưỡng thường xuyên là chi phí nhân công (không có chi phí ca máy, phương tiện, thiết bị) đã, đang biến duy tu đường bộ trở thành công trường thủ công. Sửa chữa định kì rất đặc thù song lại quản lý như đối với XDCB thủ tục mất rất nhiều thời gian, thanh toán theo khối lượng nên không khuyến khích việc ngăn chặn hư hỏng, hư hỏng không được ngăn chặn kịp thời, khối lượng phát sinh lớn. Việc kiểm tra kiểm soát khó do không có tiêu chí chất lượng, không có chế tài xử phạt.
Điều này đã khiến hệ thống CSHT giao thông đường bộ luôn trong tình trạng xuống cấp, điều kiện làm việc và đời sống công nhân đường bộ rất khó khăn. 
Thay đổi toàn diện 
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Ngọc Đông: Không thể để kéo dài tình trạng này được nữa. Tinh thần của Bộ GTVT là triển khai ngay trong kế hoạch công tác năm 2012 và các năm tiếp theo những hoạt động cụ thể. Hướng tới mục tiêu chung là đổi mới toàn diện quản lý bảo trì đường bộ tiến tới hiện đại hóa, Tổng cục ĐBVN cần chủ động: Đổi mới công tác tổ chức phương thức quản lý; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý CSHT (được mã hóa, cập nhật thường xuyên); Tách bạch quản lý nhà nước của Tổng cục ĐBVN và các Cục QLĐB khỏi hoạt động bảo trì đường sá do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện; Đổi mới công tác lập kế hoạch: lập kế hoạch dựa trên công tác quản lý hệ thống; Khuyến khích áp dụng các tiến bộ KHKT vào công tác quản lý bảo trì đường sá.
Những công việc cần tiến hành trước mắt và lâu dài gồm có: Nghiên cứu, đưa ra áp dụng hệ thống văn bản quản lý nhà nước chuyên ngành phù hợp; Nghiên cứu áp dụng cách thức tổ chức quản lý cho phù hợp (có định hướng dài và từng giai đoạn, từng khu vực khác nhau sẽ có sự điều chỉnh); Tiếp tục CPH các đơn vị, xong trước năm 2015; Đánh giá mô hình “Ủy thác quản lý quốc lộ” để có điều chỉnh khách quan; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý, được thường xuyên cập nhật; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý cầu (2012), đường và mặt đường (2013), đầy đủ trước năm 2015; Sửa hoặc thay thế Nghị định 3479 về Sửa chữa thường xuyên đường bộ; Nghiên cứu đề xuất sửa Thông tư 10 kiến nghị Bộ Tài chính sửa; Đúc rút công tác thực hiện hợp đồng PBC về khoán - đấu thầu bảo trì đường bộ theo mục tiêu chất lượng tại QL1 và QL10 vào quý I/2012; Nghiên cứu và triển khai theo lộ trình kế hoạch đấu thầu quản lý bảo trì đường bộ theo mục tiêu chất lượng (xây dựng các điều khoản hợp đồng PBC có đánh giá, có chế tài, có kiểm tra xử phạt).
Ngay năm 2012 thí điểm chọn 2 tuyến đường/Khu QLĐB cho áp dụng hình thức PBC, năm 2013 - 2014 khoảng 50% các tuyến đường áp dụng hợp đồng PBC, 2015 áp dụng hợp đồng PBC trên diện rộng.
                                                                                                         Theo báo GTVT

1 nhận xét: