Trang

Thông báo

13/1/12

Bộ trưởng Giao thông vận tải đối thoại trực tuyến với nhân dân


 Chiều nay, 12/1, tại Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã đối thoại trực tuyến với nhân dân.


Ảnh Chinhphu.vn
Cuộc đối thoại tập trung vào các vấn đề lớn như tiến độ và chất lượng của các công trình giao thông; giảm thiểu ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; giảm thiểu tai nạn giao thông; tình hình trật tự giao thông và phục vụ phương tiện giao thông cho nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; lệ phí lưu hành phương tiện giao thông...
Cuộc đối thoại được truyền hình trên internet đồng thời truyền trực tiếp trên kênh VTC1- Đài truyền hình kỹ thuật số VTC để cung cấp thông tin tới các tầng lớp nhân dân trong nước, bà con Việt kiều, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Độc giả Thái Bá Minh ở Hà Nội hỏi: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trả lời dư luận cho biết Quốc hội chưa nhận được văn bản đề xuất của Bộ Giao thông vận tải và hiện tại chưa bàn về vấn đề này. Vậy ý kiến của Bộ trưởng như thế nào, tại sao Bộ Giao thông vận tải làm quy trình ngược, trình Chính phủ rồi mới hỏi ý kiến người dân như ông Chánh văn phòng Bộ mới thông báo?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cám ơn bác Thái Bá Minh đã có câu hỏi. Để trình đề án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, chúng tôi dựa trên một số căn cứ sau đây.
Thứ nhất, căn cứ vào báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai vừa qua. Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có báo cáo về các giải pháp cấp bách giảm thiểu, kiềm chế tai nạn giao thông và xử lý ùn tắc tại các thành phố lớn.
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu và căn cứ vào kết quả trả lời chất vấn, Quốc hội đã ra Nghị quyết, trong đó có nội dung thông qua các giải pháp của Chính phủ. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có kết luận, giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng đề án trình Chính phủ, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí lưu hành phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào Pháp lệnh về phí và lệ phí.
Như vậy, tính pháp lý của đề án là đầy đủ. Đây không phải là sáng kiến mới mẻ của Bộ. Bộ Giao thông vận tải phải thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Đây không phải là quy trình ngược.
Câu hỏi thứ hai của độc giả Thái Bá Minh cũng như của nhiều người dân: Tại sao lại thu phí lưu hành phương tiện theo cách cào bằng đầu xe cùng mức mà không theo lưu thông thực tế, không phân biệt xe mới, xe cũ… Có phải do năng lực tổ chức yếu kém, điều kiện kỹ thuật hay do thói quen chủ quan, duy ý chí, đơn giản hóa trước các vấn đề nhạy cảm của xã hội? Chúng tôi xin nói thêm là chúng tôi tôn trọng ngôn từ thể hiện quan điểm riêng của độc giả.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chúng tôi đã có tính toán rất kỹ, không cào bằng, tính đến thực tế của giao thông, mức thu nhập của người dân, nhu cầu đi lại và kinh nghiệm các nước… Mức phí lưu hành xe máy chia làm 2 loại, loại dưới 175 phân khối mức 500.000 đồng một năm, như vậy mỗi tháng khoảng 46 nghìn đồng, tương đương khoảng 2 lít xăng. Chúng tôi nghĩ mức này là phù hợp. Với loại xe trên 175 phân khối, mức phí là 1 triệu đồng.
Với xe ô tô, mức thu là 20 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3, như vậy một tháng chưa đến 2 triệu đồng và chúng tôi cho rằng phù hợp với người sử dụng loại phương tiện này. Với xe từ 2000 đến 3000 phân khối, mức thu là 30 triệu đồng và trên đó thì mức phí lại cao hơn. Chúng tôi dự kiến có phân chia thành các mức phí như vậy cho phù hợp với từng đối tượng.
Ảnh Chinhphu.vn
Nguyễn Quốc Cường – Phố chợ cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội: Khi Chính phủ ban hành Quyết định thu phí lưu hành cho các phương tiện giao thông cá nhân theo mà theo Bộ trưởng là nhằm giảm ùn tắc tại các đô thị lớn, thì có cần nhắc tới trách nhiệm cũng của Chính phủ về chính sách cho phép nhập khẩu quá nhiều ô tô và cho thành lập quá nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô trong thời gian trước đây?
Chúng tôi muốn biết quan điểm của Bộ trưởng về điều mà Bộ trưởng nói về sự công bằng khi mà chủ nhân của những chiếc ô tô đang lăn bánh đã đóng góp vào ngân sách nhiều hơn rất nhiều so với những người đi xe đạp hay những phương tiện khác.
Nếu sau khi người có các phương tiện cá nhân đã nộp đầy đủ phí theo quy định mới, thì theo những đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, mà tình hình ùn tắc không được đẩy lùi, thì Bộ trưởng có sẵn sàng đề xuất Chính phủ trả lại những khoản phí đã đóng, thậm chí là lãi suất ngân hàng cho người dân nói chung hay không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thứ nhất, hiện Chính phủ chưa ban hành Quyết định thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân mà hiện mới là đề án của Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng. Hiện đang lấy ý kiến các Bộ, ngành để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, trong Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông cần tổng thể các giải pháp đồng bộ, cả giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó có việc rà soát lại tất cả các quy hoạch phát triển, quy hoạch sản xuất rồi quy hoạch lắp ráp, nhập khẩu ô tô...
Từ đó, Chính phủ mới đề ra giải pháp, trong đó có giải pháp về kinh tế là thu phí lưu hành phương tiện cá nhân.
Mục tiêu của việc thu phí không chỉ để giảm ùn tắc giao thông, mà còn  tạo ra nguồn thu để đầu tư trở lại hạ tầng, để phục vụ người dân tốt hơn.
Việc thu này đảm bảo công bằng, thực tế, người sử dụng nhiều hạ tầng phải nộp phí nhiều hơn. Người sử dụng xe máy thì nộp phí vừa phải, mức 500.000 đồng/năm, còn đối với người đi bộ, xe đạp không phải nộp.
Nói về chuyện bình đẳng hay không khi những người đi ô tô nộp nhiều thuế, tôi cho rằng, chúng ta cũng phải đặt ngược lại vấn đề, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, họ làm gì để nộp thuế. Nhưng công sức bảo vệ biên giới của họ thì không thể tính bằng tiền. Nếu tính về sự đóng góp thì không thể tính được. Anh có thể nộp ngân sách hàng năm, hàng tháng nhưng sự hy sinh của những người nơi biên giới, của người nông dân làm ra hạt gạo… thì có tính được không? Cho nên người hỏi cũng phải xem lại. Người Việt Nam chúng ta có câu làm ơn thì không bao giờ kể, nhưng chịu ơn thì không bao giờ quên. Ở biên giới, người dân không kể tới đóng góp của mình cho Nhà nước nhiều đâu. Thực tế, về sử dụng hạ tầng giao thông… họ luôn bị thiệt thòi.
Nếu mình không thu phí này, tạo thêm nguồn thu, chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì không có tiền đầu tư cho giao thông nông thôn, đường ven biển, đường tuần tra biên giới… Do vậy tôi nghĩ, nếu nói bình đẳng thì chúng ta phải hiểu một cách đầy đủ như vậy.
Còn nói về chuyện thu phí, có hết ùn tắc hay không, tôi xin nói rằng, đây là nhiệm vụ để giảm thiểu ùn tắc giao thông, khi giảm thiểu được, toàn dân được hưởng. Còn nếu nói hết hẳn, ở những nước phát triển như Mỹ, Nga, Anh, Nhật… cũng còn ùn tắc giao thông. Cho nên, chúng ta đang hướng đến mục tiêu giảm, còn giảm tới mức độ nào thì phụ thuộc vào tất cả chúng ta.
BTV: Một độc giả hỏi: Cháu rất quan tâm đến các quyết định mạnh tay của chú gần đây, đặc biệt là vấn đề ùn tắc giao thông. Cháu muốn hỏi đề xuất thay đổi giờ làm ở thủ đô Hà Nội đã tới đâu. Từ nhà cháu đến cơ quan là 15km, nhưng sáng mất 1 giờ, chiều mất 1 giờ 30 phút. Đoạn đường Nguyễn Chí Thanh chen chúc ô tô, chỉ có một phần làn đường nhỏ dành cho xe máy. Nếu đường Nguyễn Chí Thanh được phân làn thì những người đi xe đạp, xe máy sẽ không phải vất vả? 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Rất cám ơn cháu. Nhà chú cũng ở khu Mỹ Đình, ngày nào cũng đi từ đó đến phố Trần Hưng Đạo, đi từ 6h30 tới 7h là đến nơi làm việc, hơn 7h tối mới về nhà và cũng mất nửa tiếng, nên ít khi có cảm giác tắc đường. Còn đổi giờ là một giải pháp trong tổng thể các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, các bộ, ngành đã bàn bạc với UBND TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đồng ý với đề xuất này, cho phép UBND TP Hà Nội quyết định theo thẩm quyền, thời gian đổi giờ là từ 1/2/2012.
Sau khi triển khai các giải pháp như vậy, chú nghĩ đường đi làm của cháu sẽ thông thoáng hơn.
Hoàng Hải Hà (Bạc Liêu); Vũ Trần Minh (Nghĩa Lộ, Yên Bái): "Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung giải quyết 3 khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn giao thông, thứ ba là ùn tắc giao thông. Tôi sẽ thực hiện quyết liệt 3 vấn đề trên”, Bộ trưởng đã nói vậy trong những ngày đầu nhận chức. Vậy đến nay, đã có tiến triển gì trong việc thực hiên kết quả thực hiện trong cả 3 lĩnh vực? 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đến nay, ngành Giao thông vận tải vẫn đang tiếp tục thực hiện những giải pháp và nội dung đột phá đó. Đó là những vấn đề hết sức lớn, không phải một thời gian ngắn có thể giải quyết được. Vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông là những vấn đề lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Nhưng tôi cũng hết sức hài lòng, sau 5 tháng nhận chức Bộ trưởng đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn từ nhân dân. Tôi hàng ngày nhận được rất nhiều ý kiến qua điện thoại, email, thư bày tỏ sự ủng hộ, tất nhiên cũng có cả những người phản đối.
Đối với ngành Giao thông vận tải, tôi hết sức phấn khởi đã tạo ra sự đoàn kết nhất trí; từ lãnh đạo đến cán bộ, công nhân lao động ngành Giao thông vận tải đã ý thức được trách nhiệm của mình trước thách thức rất lớn, nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng là thời cơ để ngành phát triển, đáp ứng yêu cầu mong đợi của đất nước cũng như của người dân.
Một điều nữa là nhận thức của cán bộ lãnh đạo, công nhân lao động ngành Giao thông vận tải đã thực sự có sự chuyển biến, đồng tâm hiệp lực, nhiệt tình để cống hiến nhiều nhất cho đất nước, cho ngành Giao thông vận tải. Đó là điều tôi thấy phấn khởi nhất, nhất là sự đồng thuận của người dân. Về phí lưu hành phương tiện cá nhân, Quốc hội đã nhất trí thông qua về việc thu phí đó, còn cách thu thế nào thì phải trình đề án cụ thể…
Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân, mỗi đại biểu bấm nút là thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của đơn vị bầu cử, của nhân dân nơi đại biểu Quốc hội ứng cử. Khi thông qua Nghị quyết này, Quốc hội đã bỏ phiếu bấm nút nhất trí tới 92,4%, chỉ có 9 đại biểu không nhất trí và 5 đại biểu không biểu quyết. Tôi cho rằng, đây là những điều đã đi vào lòng dân, và được dân đồng thuận.
Về kết quả cụ thể, cần có thời gian. Đầu tư một cây cầu, một con đường, xử lý ùn tắc giao thông… cần một loạt các giải pháp để triển khai thực hiện và cần thời gian thì mới khẳng định được kết quả. Tôi hy vọng, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với sự đồng thuận của người dân, chúng ta có thể làm được. Như Bác Hồ nói: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Theo tôi, khi người dân đã đồng thuận, ủng hộ, chúng ta có thể làm được.
Độc giả Trần Duyên (Hải Phòng): Có ý kiến cho rằng, khi trực tiếp “trảm tướng”, yêu cầu các chủ dự án tăng tốc hoàn thành tiến độ tại Dự án nhà Ga hàng không Đà Nẵng, Quốc lộ 18, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình... Bộ trưởng bất đắc dĩ phải đi đốc công, làm thay việc của Thứ trưởng, thậm chí Cục trưởng. Phải chăng công tác điều hành quản lý dự án ở Bộ GTVT đang có vấn đề?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Câu hỏi này rất thú vị. Tôi thấy rằng, đã là người đứng đầu ngành, không chỉ ngành giao thông, khi đi kiểm tra công việc thì phải có các ý kiến chỉ đạo, giúp đỡ, thậm chí có biện pháp xử lý tình thế để công việc tốt hơn, chứ không phải chỉ khi có vấn đề thì Bộ trưởng mới “ra tay”.
Có người nói Bộ trưởng là chính khách, phải làm chính trị, phải làm việc lớn chứ sao lại làm thay việc của đốc công? Tôi cho rằng Bộ trưởng phải làm cả việc lớn, cả việc nhỏ. Ví dụ, tôi đến nhà anh chơi, thấy anh đang quét nhà, không lẽ tôi bảo vợ ông này hỏng, vì chẳng nhẽ anh không thể giúp vợ rửa bát hay quét nhà. Cho nên, Bộ trưởng phải làm được cả việc lớn, cả việc nhỏ, miễn là việc đó có lợi cho tập thể, cho đơn vị, cho đất nước. 
Ảnh Chinhphu.vn
Lý Quý Trung (Diễn Châu, Nghệ An): Năm 2011, tổng vốn đầu tư gồm tất cả các nguồn cho các dự án GTVT vào khoảng 55.000 tỷ đồng, trong khi đó theo Đề án đột phá về hạ tầng mà Bộ GTVT trình thủ tướng thì từ nay đến năm 2015 cần tới 530.000 tỷ đồng, tính trung bình cần tới 160.000 tỉ đồng/năm. Bộ sẽ có thế hoạch gì để bù đắp vào các khoản thiếu hụt này?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Có thể nói đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tương đối hiện đại là một giải pháp đột phá trong 10 năm tới mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã xác định. Trên cơ sở nghị quyết Đại hội 11, kế hoạch 5 năm 2011-2015, Chính phủ đã xây dựng đề án đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, số một là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, chúng ta thực hiện đề án này trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn thách thức, chúng ta phải ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội. Như vậy, vốn đầu tư cho hạ tầng không những không tăng thêm mà còn bị giảm đi. Trong khi yêu cầu phải đầu tư hạ tầng cho đất nước để đảm bảo mục tiêu đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, thì lại phải có đột phá về đầu tư.
Như vậy, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào ngân sách, chúng ta phải có giải pháp để huy động các nguồn lực khác nhau để cho đầu tư phát triển hạ tầng, bao gồm cả vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn huy động từ doanh nghiệp, vốn huy động từ người dân... Nói tóm lại huy động rất nhiều nguồn lực khác nhau.  Để huy động nguồn lực đó cần có cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể nói chung cũng như đối với từng dự án nói riêng. Có như vậy chúng ta mới đáp ứng được nguồn lực để cho đầu tư phát triển.
Thứ hai, ngành Giao thông vận tải cũng phải rà soát lại toàn bộ thể chế chính sách để quản lý chặt chẽ, nâng cao được hiệu quả vốn đầu tư. Bởi vì sử dụng hiệu quả vốn đầu tư là mong mỏi của người dân. Tôi biết nhiều người dân sẵn sàng nộp khoản này khoản kia, miễn là ngành Giao thông vận tải phải sử dụng nó hiệu quả. Rất nhiều người gửi thư tới chia sẻ với chúng tôi là họ hoàn toàn ủng hộ với các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra, nhưng phải cam kết sử dụng đồng tiền có mục đích, hiệu quả.
Tôi cũng cảm thấy trách nhiệm của mình, hiện chúng tôi đang tập trung để đầu tư dự án với tiến độ nhanh, chất lượng đảm bảo. Muốn vậy thì có rất nhiều giải pháp từ tổ chức thực hiện, giải phóng mặt bằng… Chúng tôi đang tập trung thực hiện rất nhiều giải pháp như vậy. Vấn đề huy động nguồn lực là bài toán khó nhưng tôi nghĩ rằng, với sự đồng thuận của dân, với sự chỉ đạo quyết liệt sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Trung ương mới bàn thảo và ra Nghị quyết Trung ương 4 về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, tôi nghĩ rằng đây cũng là thời cơ để ngành Giao thông vận tải tiếp tục phát triển.
Độc giả Nguyễn Thị Minh Trang (Khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội): Trong một phát ngôn gần đây, Bộ trưởng có hứa rằng năm 2012, tai nạn giao thông sẽ được kiềm chế và đẩy lùi. Vậy khái niệm kiềm chế được hiểu theo nghĩa nào? Giảm mức tăng hay chỉ đơn giản là không để tăng thêm so với năm ngoái?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Xin cám ơn bạn Trang. Nhưng xin nói rõ là đây không phải là lời hứa của Bộ trưởng, mà là nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, trong năm 2012 phải giảm từ 5-10% tai nạn giao thông, ít hơn cả về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2011. Đã là Nghị quyết của Quốc hội thì toàn dân phải thực hiện với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và với tư cách là người đứng đầu ngành, tôi phải tổ chức thực hiện bằng được mục tiêu đó. Và với sự ủng hộ của nhân dân, tôi cho rằng chúng ta sẽ thực hiện được.
Độc giả Phạm Xuân Thanh ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội hỏi: Tôi đã có 20 năm là người bình thường, 20 năm là người khuyết tật, đã từng đi nhiều nơi trên thế giới, từng học tập tại Mỹ. Tôi xin hỏi là trong tổng thể đầu tư và phát triển giao thông tại các đô thị, chúng ta có tính đến bao nhiêu phần trăm ngân sách dành cho phương tiện và công trình giao thông có thể tiếp cận đối tượng cần trợ giúp như người già, người khuyết tật. Chính Bộ trưởng từng nói ngay cả Bộ trưởng cũng khó đi xe buýt, vậy người khuyết tật sẽ dùng phương tiện gì. Bộ trưởng đang ưu tiên các phương tiện công cộng, nhưng việc phát triển này không thể bỏ qua các đối tượng nêu trên, bởi đây là vấn đề thuộc phạm trù văn minh.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi xin trả lời là không chỉ ở Mỹ hay các nước phát triển, mà chúng ta cũng đã có luật, nghị định của Chính phủ về giao thông tiếp cận, giúp những người khuyết tật tiếp cận các phương tiện giao thông vận tải công cộng một cách tốt nhất và chúng ta cũng đang triển khai.
Tất nhiên cũng phải tùy vào thời điểm cụ thể để chúng ta đầu tư các loại hình vận tải công cộng khác nhau. Hiện chúng ta chưa có tàu điện ngầm, đường sắt nội đô, đường sắt trên cao, nên chúng ta phải tập trung phát triển xe buýt nhiều hơn. Thể chế đã có, chúng tôi phải cùng phối hợp với các thành phố, phát triển các loại hình giao thông công cộng để người khuyết tật có thể tiếp cận. Nước ngoài làm được thì chúng ta cũng phải làm được, phải đảm bảo công bằng và có ưu tiên cho các đối tượng không may mắn.
Độc giả Đỗ Nguyệt Minh, Hà Nội: Xin hỏi Bộ trưởng đến lúc nào ông nghĩ đến việc xây dựng đường sắt tốc độ cao (150km/h), 2 chiều, chạy bằng điện, dễ làm, là phương tiện giao thông nhanh, rẻ và phù hợp với địa hình nước ta.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Hiện nay Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển Hà Nội và TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050 và trong đó có việc phê duyệt quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông. Trong phát triển hạ tầng giao thông có quy hoạch phát triển đường sắt đô thị. Đường sắt đô thị này gắn kết với đường sắt Bắc- Nam. Cho nên, về lâu dài, chúng ta phải phát triển đường sắt tốc độ cao với tốc độ từ 150-200km/h. Đường sắt đó phải gắn với đường sắt đô thị để sau này kết nối hoàn toàn. Rõ ràng nếu chúng ta làm được điều đó thì rất tốt bởi nó vận chuyển được khối lượng lớn, ít ô nhiễm môi trường hơn. Tuy nhiên, suất đầu tư cao hơn, cho nên chúng ta cũng cần phải có thời gian.
Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt ở Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị, ở TP HCM có 6 tuyến. Hà Nội và TP HCM cũng đang bắt đầu triển khai, ở Hà Nội đã triển khai tuyến Hà Đông-Nhổn, ở TP HCM triển khai tuyến Bến Thành- Suối Tiên… Một số dự án khác đang kêu gọi nguồn đầu tư. Tôi nghĩ ý kiến của bạn hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên, chúng ta cần thêm thời gian để huy động nguồn lực để triển khai dự án.
Độc giả Trịnh Văn Xuyên (Thạch Thất, Hà Nội): Trong cuộc chiến chống ùn tắc giao thông, Bộ GTVT có công cụ nào, khi thẩm quyền quyết định giờ làm, phân luồng phân làn thuộc về chính quyền các thành phố lớn, thẩm quyền xử phạt thuộc về Bộ Công an?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đây là câu hỏi thú vị, tưởng là dễ mà lại khó, tưởng là khó lại là dễ. Vì chúng ta phải xác định, việc chống ùn tắc giao thông tại các thành phố là trách nhiệm của UBND các thành phố, Bộ GTVT với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có trách nhiệm phối hợp. Và trong Nghị quyết 01 triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2012, Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành khác thực hiện mục tiêu giảm thiểu, kiềm chế ùn tắc và tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, chúng tôi không nhất thiết phải trực tiếp đi phạt, đi thu tiền thì mới thực hiện được nhiệm vụ quản lý. Ngành GTVT quản lý về thể chế, chính sách, quản lý bằng pháp luật các hoạt động trong lĩnh vực GTVT trên phạm vi cả nước, quản lý bằng công cụ kiểm tra, giám sát. Ví dụ, vừa rồi, sau khi kiểm tra, chúng tôi đã giải thể khoảng 6 công ty taxi tại Hà Nội, 5 công ty tại TPHCM. Và trong quá trình thực hiện, các quy định của pháp luật chưa phù hợp, chúng tôi có trách nhiệm cập nhật, trực tiếp sửa đổi hoặc đề xuất Chính phủ, trình Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi… để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đó là những công cụ của ngành GTVT.
Tôi xin nhắc lại, trách nhiệm giảm ùn tắc giao thông thuộc về UBND các thành phố, nhiệm vụ giảm tai nạn giao thông thuộc về Bộ Công an. Tôi nói thế không phải là “đá bóng”. Ngành GTVT xác định quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này thì phải có trách nhiệm. Ví dụ, vừa rồi trước hiện tượng cháy ô tô, cháy xe máy, sau khi kiểm tra, rà soát, nhận thấy các quy định của pháp luật còn chỗ hổng, chúng tôi yêu cầu cập nhật lại và chuẩn bị những văn bản quy phạm pháp luật để quản lý từ sản xuất tới phân phối, trong sử dụng phương tiện… để khi có vấn đề xảy ra, chúng ta xác định được trách nhiệm.
Lê Minh Trí (TP HCM): TP HCM là một đầu tàu kinh tế ở phía Nam, vậy trong năm 2012, Bộ trưởng đã có những chính sách, kế hoạch cũng sự đầu tư như thế nào để đáp ứng nhu cầu về phát triển giao thông?
Hội trí thức khoa học công nghệ trẻ Việt Nam: Tình trạng tắc đường ở Hà Nội dường như là hết sức khó khắc phục và chắc chắn không ít đô thị khác cũng đang đứng trước nguy cơ như Hà Nội. Lường trước điều đó, Bộ trưởng sẽ chỉ đạo gì với các đô thị khác?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: TP HCM là đầu tàu kinh tế của đất nước và để đầu tàu này chạy xuôn sẻ, tiếp tục là động lực đầu kéo nền kinh tế thì phải đầu tư phát triển về kết cấu hạ tầng nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải. Việc này được xác định là giải pháp đột phá không phải chỉ của cả nước mà còn của cả TP HCM. Bộ Giao thông vận tải đã làm việc cụ thể với UBND TP.HCM đưa ra các giải pháp, dự án cụ thể để xác định về lâu dài từ nay đến năm 2020 phải làm những dự án gì, trong năm 2012 triển khai làm những dự án gì. Đối với Hà Nội cũng vậy. 
Còn với việc xử lý ùn tắc giao thông, không phải bây giờ chúng ta mới thấy vấn đề. Từ năm 2002, Chính phủ đã có Nghị quyết về các giải pháp cấp bách để thực hiện giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông.
Năm 2003, Ban Bí thư có chỉ thị cũng để giải quyết vấn đề này. Từ đó đến nay, liên tục có các giải pháp, Nghị quyết của Chính phủ để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta nói, bàn nhiều quá, mà thực hiện chưa nhiều. Bây giờ toàn dân phải hành động, ngành giao thông phải hành động.
Hiện nay, Chính phủ đã có chỉ đạo, trong Luật Giao thông đường bộ đã có quy định cụ thể, trên cơ sở chuẩn bị và tờ trình của Bộ Giao thông vận tải là đất dành cho đô thị là phải chiếm từ 20-26%, đầu tư phát triển phương tiện vận tải công cộng, đầu tư phát triển hạ tầng, vấn đề người nhập cư, nhập khẩu xe ô tô, sản xuất xe máy, xe ô tô… phải là tổng thể các giải pháp. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang cùng các bộ, ngành khác để thực hiện những giải pháp đó.
Ảnh Chinhphu.vn
Thái Thị Kiều Lan (Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội):
Bộ GTVT luôn cho rằng cần phải hạn chế phát triển dân cư thông qua việc không xây nhà cao tầng tại khu trung tâm, tuy nhiên chúng tôi được biết Bộ GTVT đang có dự án chuyển đổi trụ sở, trong đó trụ sở 80B Trần Hưng Đạo sẽ được cho các nhà đầu tư xây cao ốc phức hợp. Vậy có hay không mâu thuẫn trong lời nói và việc làm của Bộ GTVT?
Độc giả Trung Ngô, Quảng Ninh: Ngành GTVT đã nhận được sự phối hợp gì trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị để đảm bảo diện tích giao thông đáp ứng tốc độ phát triển dân số, nhu cầu phát triển của xã hội trong tương lai và đảm bảo 100% chỗ đậu xe trong công trình nhà cao tầng mà không đẩy gánh nặng đó ra ngoài đường cho người dân và xã hội gánh chịu?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Thứ nhất, chắc bạn thông tin không đầy đủ, theo chủ trương của Chính phủ kể cả kết luận của Ban Bí thư, chúng ta dần dần phải chuyển các công sở, trường học, bệnh viện ra ngoại thành. Tuy nhiên vấn đề này đòi hỏi thời gian, nguồn lực. Đất được chuyển phải giao lại cho thành phố để quản lý và sử dụng theo quy định. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chuyển trụ sở ra khu vực bên ngoài, cụ thể là Mỹ Đình. Đất này chúng tôi phải chuyển lại cho TP Hà Nội. TP Hà Nội cùng với nhà đầu tư sẽ có phương án sử dụng, sử dụng như thế nào phải theo quy hoạch và Quyết định của UBND TP Hà Nội. Cho nên không có chuyện gì là tiền hậu bất nhất giữa việc chuyển trụ sở của Bộ Giao thông vận tải ra ngoài rồi để lại xây cao ốc. Xây nhà bao nhiêu tầng, như thế nào là trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với nhà đầu tư. Bộ Giao thông vận tải cũng không có quyền làm việc đó.
Còn về quy hoạch, như tôi đã nói, tất cả các quy hoạch, trong đó có cả quy hoạch thành phố, thì trước khi Thủ tướng phê duyệt, ngoài đề nghị của thành phố phải có ý kiến thỏa thuận của các bộ, ngành liên quan, trong đó có một bộ rất quan trọng là Bộ Giao thông vận tải. Để Thủ tướng phê duyệt, chúng tôi phải làm việc với thành phố để xác định quy hoạch giao thông vận tải, đất dành cho giao thông đô thị như thế nào, cho giao thông động, tĩnh, kết nối giữa quốc lộ với giao thông nội đô…, kết nối về phương tiện vận tải, các loại hình vận tải thế nào để đảm bảo hiệu quả, hài hòa. Điều này phải có sự thỏa thuận của Bộ Giao thông vận tải đáp ứng các mục tiêu đề ra.
Độc giả ở địa chỉ oanh78@....com: Bộ trưởng có sợ mất chức không khi đưa ra những giải pháp quyết liệt như vậy?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Sau 5 tháng làm Bộ trưởng, tôi rất mừng là các giải pháp đưa ra đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, của xã hội và đặc biệt là sự quyết liệt, đồng thuận cán bộ, công nhân viên chức ngành GTVT, dù cũng xin nói lại là các giải pháp này đã được đặt ra từ 10 năm nay, nhưng không ai làm và tôi chưa có sáng kiến gì cả.
Về việc sợ có mất chức không, tôi xin trả lời như sau: Vừa rồi, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường có chuyển cho tôi bức thư ngỏ của một người nông dân gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Bức thư viết: Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi ủng hộ các biện pháp quyết liệt vừa rồi của ông, mong ông tiếp tục duy trì. Nếu vì lý do gì đó, Quốc hội có phế truất, không cho ông làm Bộ trưởng nữa, thì ông hãy về với chúng tôi, chúng tôi sẽ bầu ông làm trưởng thôn, chúng tôi sẽ mời ông các món ăn dân dã nhưng rất ngon như tôm, cua, cá, ốc, ếch, chiều chiều chúng tôi sẽ mời ông đi thả diều, cũng vui lắm, không nhất thiết phải làm việc nọ hay việc kia.
Cho nên, tôi hết sức thanh thản, làm được gì cho đất nước, cho ngành, tôi sẽ hết sức làm, theo như lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân cho nước thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân cho nước thì hết sức tránh.
BTV: Nhưng có lẽ Bộ trưởng cũng không muốn về quê khi còn quá trẻ như vậy?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Vấn đề không phải là muốn hay không muốn, mà mình làm gì, ở vị trí nào cũng vậy, phải làm hết mình để đóng góp cho cái chung, cho tập thể.
Một lưu học sinh ở Anh: Cháu kính chào Bộ trưởng Đinh La Thăng. Cách đây ít lâu, theo thông cáo báo chí của Bộ GTVT đăng trên website của Bộ, cháu biết Bộ GTVT đang tuyển cán bộ công nhân viên chức nhưng khi đọc thông tin tuyển dụng, cháu thấy yêu cầu đặt ra cho vị trí tuyển dụng rất là cao, cụ thể như kinh nghiệm 5 năm làm việc trong cơ quan nhà nước trở lên. Điều này cho thấy Bộ đã có chủ trương sử dụng người tài nhưng có 1 vấn đề mà cháu rất quan tâm là nếu chỉ tuyển dụng cán bộ đã có kinh nghiệm làm việc trong cơ quan nhà nước, thực chất là luân chuyển cán bộ thì đối với những thạc sỹ, tiến sỹ tốt nghiệp ở nước ngoài, chuyên môn của họ có thể rất tốt, có kinh nghiệm trong quá trình tham gia dự án khi nghiên cứu đề tài nhưng theo tiêu chí của Bộ thì hiện nay, khi ngành GTVT đang cần người tài hơn bao giờ hết thì chủ trương trên liệu có bỏ sót người tài, có khuyến khích lưu học sinh trở về phục vụ đất nước?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Xin cảm ơn cháu. Đây là câu hỏi hay. Trước hết, phải xin lỗi cháu bởi đến hôm nay chú mới biết về thông tin này. Đúng là phải chọn người tài, chọn người phù hợp với từng vị trí công tác trong Bộ GTVT. Kinh nghiệm thực tiễn rất cần thiết tuy nhiên cũng có những vị trí không nhất thiết phải có kinh nghiệm thực tiễn mới làm được. Do đó, với tiêu chí như trên, có thể bỏ sót người tài. Chú hứa, sẽ điều chỉnh lại ngay vấn đề này. Nếu đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, có nhiệt huyết, nhất là nếu học tập ở nước ngoài dù chưa có kinh nghiệm quản lý nhà nước nhưng có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài thì cũng có thể góp sức cho ngành GTVT. Chú sẽ điều chỉnh tiêu chí để tuyển chọn.
Dương Mỹ Anh (lưu học sinh tại Đức): Được biết, cuối năm 2011, Bộ trưởng đã có chuyến công tác kéo dài hơn nửa tháng qua các nước Anh, Bỉ, Lào... Vậy qua chuyến công tác, Bộ trưởng đã học hỏi và đúc rút được những kinh nghiệm qu‎ý báu gì trong vấn đề quản l‎ý cũng như điều tiết giao thông từ nước bạn?  Trên cơ sở thực tế ở nước ta, Bộ trưởng có dự định sẽ triển khai một vài kinh nghiệm đó trong năm An toàn giao thông 2012?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cuối năm 2011, tôi có dịp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm Anh và Bỉ, sau đó có đi thăm Lào và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Giao thông các nước ASEAN định kỳ hàng năm. Dĩ nhiên, với tư cách là Bộ trưởng Giao thông vận tải, thì sẽ để ý học hỏi trong lĩnh vực này. Về quy hoạch đô thị, người ta dành đất cho giao thông từ 20 – 30%, thậm chí 35%. Cách thức tổ chức, quản lý giao thông, quản lý hệ thống phương tiện và tổ chức vận tải công cộng, hệ thống tín hiệu giao thông…, rất nhiều lĩnh vực có thể học hỏi. Ngay tại Lào, chúng ta cũng phải học tập họ ở ý thức tham gia giao thông, chẳng hạn họ rất ít khi bấm còi. Người Hà Nội sử dụng còi hơi nhiều, ngay cả khi so với TPHCM. Chúng ta cũng có thể học tập họ cách tổ chức quản lý giao thông hiện đại, quản lý bằng hình ảnh. Chẳng hạn, tự động ghi lại các vi phạm và người vi phạm phải tự động đến nộp tiền, nếu không sẽ bị xử phạt nặng hơn nhiều lần. Cách làm này có thể hạn chế được tiêu cực.
Các cụ ta nói đi một ngày đàng, học một sàng khôn, học để áp dụng cho mình, tùy vào điều kiện thực tế.  
Ảnh Chinhphu.vn
Bàng Mai Hồng, bangmaihong@...com: Tôi đã được nghe về phong cách chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng từ khi ông làm tại Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí. Tôi rất kỳ vọng vào Bộ trưởng khi ông được giao trọng trách là tư lệnh ngành GTVT. Tôi xin hỏi bài toán vốn cho cơ sở hạ tầng vẫn rất nan giải. Được biết, ông từng đề xuất Quốc hội chuyển số tiền vượt thu từ Tập đoàn Dầu khí cho hạ tầng giao thông nhưng chưa được thông qua. Trong giai đoạn chống lạm phát hiện nay, đầu tư công giảm, nguồn lực ngoài ngân sách không phát huy được nhiều, trong khi đó vốn ODA cũng gặp khó khăn. Ông có giải pháp gì để đảm bảo vốn cho phát triển giao thông?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Về câu hỏi này, vừa rồi tôi cũng đã đề cập. Để thực hiện đột phá phát triển hạ tầng giao thông thì cần đột phá trong huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó có việc phát hành trái phiếu công trình, huy động ODA, huy động vốn nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT, BT, hình thức PPP, huy động từ người dân qua nhiều hình thức như thu phí phương tiện cá nhân…
Sắp tới, Quỹ bảo trì đường bộ được Chính phủ thông qua thì đó cũng là nguồn lực cho sửa chữa hạ tầng. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng đề án về xây dựng Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng đề án phát hành công trái xây dựng hạ tầng giao thông, trước hết là đầu tư xây dựng Quốc lộ 1A với 4 làn xe và thêm 2 làn cho xe máy. Rõ ràng trong bối cảnh thắt chặt đầu tư công, hạn chế chi tiêu công thì phải huy động các nguồn lực khác. Nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng nguồn lực của nhà nước có hạn thì phải sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau. Muốn vậy cần có cơ chế chính sách, cũng như sau này, phí sử dụng hạ tầng giao thông phải trở thành giá như sử dụng điện, nước. Các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật… cũng sử dụng giá đối với cơ sở hạ tầng. Tại Trung Quốc, phí đường cao tốc gấp 10 lần của Việt Nam.
Độc giả Lê Thị Thu Nga (Thanh Khê, Đà Nẵng):  Thưa Bộ trưởng, ông nghĩ sao về sân bay Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng đã dột. Tiến độ kịp nhưng chất lượng hình như chưa theo kịp?
Một mình Bộ trưởng không thể đi hết các công trình từ nhỏ đến lớn để đốc thúc, kiểm tra. Một số công trình lớn đã tăng tốc nhưng trên toàn quốc còn vô vàn những công trình nhỏ và vừa triển khai dở dang. Bộ trưởng có kế hoạch thế nào đối với những công trình nhỏ và vừa nhưng chậm tiến độ này?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thứ nhất, công trình sân bay Đà Nẵng đã chậm tiến độ 2 năm, nên không thể nói là kịp tiến độ mà chất lượng kém. Sau khi báo chí phản ánh công trình sau khi khánh thành có chuyện dột, chúng tôi đã kiểm tra và thấy như thế này: Công trình sử dụng thiết kế của nước ngoài, sảnh đón khách đến hơi hẹp, không phù hợp với tâm lý, tình cảm của người Việt Nam là thường đi đón rất đông. Sau khi phát hiện ra điều này, chủ đầu tư đã điều chỉnh lại theo hướng cải tạo một sảnh trước kia vốn để dùng đặt chậu hoa, không có mái thành nơi đón khách. Một là do thời gian gấp, hai nữa là phải ghép phần mái mới với phần mái cũ, cho nên có hiện tượng dột. Hiện chúng tôi đã chỉ đạo khắc phục và theo báo cáo của chủ đầu tư thì tới 15/1 sẽ hoàn thành.
Hiện nay, tiến độ các công trình giao thông vận tải đúng là vấn đề nhức nhối. Để khắc phục, chúng tôi phải hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, quản lý về tiến độ, chất lượng, tăng cường vai trò kiểm tra giám sát, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho chủ đầu tư, nếu công trình kém, tiến độ chậm thì chủ đầu tư, các chủ thể tham gia như ban quản lý, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, chúng tôi phải có phân công trong lãnh đạo để kiểm tra, giám sát… Cũng rất quan trọng là sự giám sát của nhân dân, của các cơ quan thông tấn báo chí, nhiều bài báo đã giúp chúng tôi phát hiện vấn đề, có biện pháp xử lý quyết liệt.
Với những giải pháp như vậy thì các vấn đề tồn tại sẽ dần được xử lý, chứ đúng như các bạn nói, một mình tôi không thể đi hết được, trong khi những vấn đề thì quá nhiều và quá rộng. Hơn nữa, mỗi quyết định của người đứng đầu đều có hiệu ứng lan tỏa, quyết chỗ này thì chỗ khác cũng phải lo, “quyết một chỗ nhưng rung toàn bộ”.
BTV: Ông có bao giờ cảm thấy bị làm phiền bởi các phóng viên, những người rất muốn có thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, là những ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước để phản biện lại những nội dung mà họ đã đăng tải hoặc cảm xúc của ông như thế nào khi đọc những bài phản biện chính sách, những quy định mới, ý tưởng mới của Bộ Giao thông vận tải được đăng tải trên các cơ quan thông tin đại chúng?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đây là câu hỏi rất hay, thực ra đây cũng đang là áp lực, gánh nặng cho những nhà lãnh đạo trong đó có tôi. Tôi rất thân thiện và cởi mở với báo chí nhưng có những lúc hết sức bực mình. Như vừa rồi có người hỏi, đến anh là Bộ trưởng mà không đi được xe bus. Thế là các nhà báo phản ánh hoàn toàn sai sự thật. Tôi không nói chất lượng xe bus kém, mặc dù đúng là tôi nói chất lượng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Nhưng không phải vì thế mà tôi không đi được xe bus. Bố trí được thời gian tôi vẫn đi. Nhưng nhà báo kia gặp tôi cũng không phải để phỏng vấn mà chỉ hỏi câu hỏi rất vu vơ: “tại sao anh không kỷ luật nhân viên của anh không chịu đi xe bus”. Tôi nói: “đây là một cuộc vận động, không có chuyện kỷ luật hay không. Đây là vận động mọi cán bộ, nhân viên ngành vận tải gương mẫu đi xe bus”. Nhà báo hỏi tôi: “thế anh có thực hiện không”. Tôi nói: “tôi đề ra chương trình, đến tôi còn không thực hiện được, thì làm sao bắt anh em thực hiện được mà đi kỷ luật. Tôi đi họp Quốc hội 1,5 tháng, thì làm gì có xe bus nào vào được hội trường Bộ Quốc phòng để mà đi xe bus, hoặc tôi đi công tác suốt. Tôi đề ra 1 tuần cố gắng đi xe bus 1 lần nhưng đúng là tôi không thực hiện được. Và tôi nói với nhà báo là đến tôi còn không thực hiện được thì làm sao bắt mọi người thực hiện”, người đó lại xuyên tạc ra “Bộ trưởng nói chất lượng xe bus tồi, không thể đi được”. Cho nên tôi rất bức xúc. Rõ ràng là sự bịa đặt.
Thứ hai nữa là nhà báo không đặt vấn đề phỏng vấn và tôi nói không sử dụng trên báo chí, nhà báo đó đồng ý. Hôm sau họ trích ra từng đoạn để thành cuộc phỏng vấn. Làm việc như thế tôi cho rằng không sòng phẳng. Chính vì vậy, nếu các nhà báo làm việc như vậy, rất dễ dẫn đến các chính khách, nhà lãnh đạo không muốn trả lời.
Tôi xin đọc bức thư của một đồng chí lãnh đạo cao cấp gửi cho Chính phủ, trong đó có 1 bản gửi cho tôi. Tôi xin đọc để mọi người chia sẻ:
Để góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, báo chí là công cụ cực kỳ quan trọng, hỗ trợ cho việc tuyên truyền, giải thích các chủ trương chính sách. Thế nhưng hiện nay, đáng tiếc là hầu như mỗi khi đề ra chủ trương gì mới nếu đụng chạm tới lợi ích riêng của một bộ phận người nào đó, thì một số cơ quan báo chí đều lên tiếng phản bác, nhiều khi không hề đại diện cho lợi ích chung của xã hội…
Những ý kiến phản bác tưởng là vì  nhân dân, nhưng thực ra chỉ càng làm kéo dài sự nghèo khổ, khó khăn cho nhân dân, cho dất nước, làm cho tình hình trì trệ không sao đổi mới, tiến lên được. 
Đấy là một đoạn của một nhà lãnh đạo cao cấp gửi cho Chính phủ, đề nghị Chính phủ ủng hộ các giải pháp mà ngành Giao thông vận tải đã đề ra để thực hiện việc kiềm chế giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông.
Độc giả Nguyễn Văn Ngọc (Đường nước Phần lan, Nghi Tàm, Hà Nội): Chúng tôi rất cảm kích trước việc Bộ GTVT nhận trách nhiệm về những vụ cháy nổ xe gần đây, vậy Bộ trưởng có thể cho người dân được biết lộ trình giải quyết việc này như nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Câu hỏi này tôi đã trả lời một phần. Hiện nay Bộ Công an đã vào cuộc điều tra các vụ cháy, nổ xe này để xử lý. Nhưng như tôi nói, về mặt lâu dài, Bộ Giao thông vận tải với trách nhiệm được Chính phủ giao là quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Khi kiểm tra và nhận thấy các quy định trong lĩnh vực này còn có khoảng trống, chúng tôi đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát lại toàn bộ, đề xuất sửa đổi, bổ sung để các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, bao quát được các giai đoạn từ sản xuất, lắp ráp, đưa vào lưu thông, vận hành, quy định bắt buộc về bảo dưỡng, sửa chữa, về các trạm bảo dưỡng, sửa chữa…
Sau khi có quy định và tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện, tôi nghĩ các hiện tượng có xảy ra cũng quy được trách nhiệm, và khi quy được trách nhiệm sẽ có tác động ngược trở lại, hạn chế các hiện tượng trên. Dĩ nhiên, có những trường hợp bất khả kháng không thể quy trách nhiệm như chuột cắn dây, dẫn dến rò xăng và gây cháy thì chúng ta phải chấp nhận.
Bạn đọc Vũ Văn Thiệu, Giám đốc Công ty Xuân Thiệu Nam Định, hiện đang kinh doanh 3 tuyến xe bus của tỉnh Nam Định: Từ năm 2005- 2010, loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe bus ngoài quốc doanh rất phát triển, nhưng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông đã tìm hiểu thực trạng đó chưa? Bộ trưởng có kế hoạch phát triển và hỗ trợ cho loại hình vận tải này trong thời gian tới không? Tôi đại diện cho Ban vận động Hiệp hội vận tải hành khách công cộng bằng xe bus ngoài quốc doanh các tỉnh phía Bắc xin Bộ trưởng dành thời gian một ngày tổ chức gặp mặt và đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp có được không (kinh phí do ban vận động thanh toán)?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bạn không nói rõ nên tôi không biết khó khăn gì. Nói chung, năm 2011 và năm nay, tình hình các doanh nghiệp hết sức khó khăn. Mặc dù vậy, chúng ta cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức này. Tôi cũng sẽ hỏi lại Vụ Vận tải để xem hiện nay các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn gì. Bây giờ tôi chưa thể nói cụ thể được.
Thứ hai, về phát triển vận tải công cộng là chủ trương của Chính phủ. Hiện nay, chúng tôi có xây dựng một đề án phát triển phương tiện vận tải công cộng bằng xe bus đến năm 2020. Đề án đã trình Chính phủ và được phê duyệt làm căn cứ để triển khai thực hiện. Chất lượng xe phải phù hợp cũng như phải có loại xe bus cho người khuyết tật, chất lượng dịch vụ phải tốt hơn…
Thứ ba, về đối thoại, tôi sẵn sàng nếu có điều kiện thời gian. Còn về kinh phí tổ chức thì không có gì khó khăn.
BTV: Để tổ chức cuộc đối thoại này thì bạn Vũ Văn Thiệu có thể liên hệ với Văn phòng Bộ, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bạn có thể gọi điện thoại trực tiếp cho tôi hoặc văn phòng Bộ. Số điện thoại của tôi là 091 321 0367. Các bạn có thể gọi trực tiếp, nếu không gọi được khi tôi bận họp, có thể nhắn tin. Tôi sẽ trả lời.
Ảnh Chinhphu.vn
Bạn đọc Trần Trà My (Trung Tự, Đống Đa, HN): Chúng tôi hiểu là  trong khi chờ đợi hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng thì chúng ta buộc phải sử dụng những biện pháp tạm thời như thay đổi giờ làm, hạn chế phương tiện cá nhân. Nhưng người dân chúng tôi cũng muốn biết chính xác bao giờ thì hệ thống giao thông công cộng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân vì chúng tôi sợ nhất những mỹ từ như “quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2020 hay 2030”?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Quy hoạch và tầm nhìn không phải là những mỹ từ, mà đó là những thuật ngữ chuyên môn thông dụng. Đã nói đến quy hoạch là phải nói đến tầm nhìn xa với mốc thời gian cụ thể.
Để giảm ùn tắc giao thông thì cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ như bạn nói, gồm cả đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện thể chế pháp luật đồng bộ, phát triển phương tiện vận tải công cộng, đổi giờ làm việc… Tuy nhiên, nhu cầu của con người là phát triển, ngày mai cao hơn hôm nay, đó là quy luật. Nhu cầu của con người là vô hạn, trong khi khả năng là có hạn, ngay cả các nước giàu như Mỹ, Nhật, châu Âu cũng không thể đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của người dân, trong đó có nhu cầu đi lại. Cho nên, với câu hỏi này thì phải “bắc thang lên hỏi ông trời”, khi nào thì hệ thống giao thông công cộng đáp ứng đủ toàn bộ nhu cầu của tất cả mọi người.
Bạn Mạnh Cường và Huỳnh Thị Trang ở Hải Phòng hỏi: Xin hỏi Bộ trưởng cho biết về trách nhiệm trong vụ chìm tàu Vinalines Queen. Việc bảo hiểm cho các thủy thủ này được xem xét như thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đây là một sự việc hết sức đáng tiếc xảy ra vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, sau khi sự cố xảy ra, chúng tôi cũng cố gắng phối hợp với Vinalines, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Quốc gia, Trung tâm tìm kiếm cứu hộ Nhật Bản, Philippines và các nước trong khu vực để tìm kiếm. Nhưng rất đáng tiếc, đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm kiếm được 22 thủy thủ mất tích, chỉ có 1 thủy thủ sống sót trở về. Đây là tổn thất lớn đối với không chỉ gia đình của các thủy thủ mà còn đối với Vinalines và ngành Giao thông vận tải.
Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo hoàn tất các thủ tục để làm sao người thân của họ có thể bớt đi nỗi buồn, cùng gia đình đón Tết Nguyên đán này.
Thứ hai, cũng phải xác định trách nhiệm từng cấp đến đâu, đối với Tổng Công ty Vinalines thì như thế nào, đối với Công ty Vinalines thì trách nhiệm đến đâu. Có thể nói đây là tàu hiện đại nhất của Vinalines và gần như cũng là hiện đại nhất của Việt Nam mà chúng ta có vì tàu này đóng ở Nhật Bản với giá trị tiền cũng tương đối lớn, khoảng 50 triệu USD.
Tuy nhiên, cũng do thời tiết bất ngờ, chở hàng được cảnh báo là cũng khó khăn, nên chúng tôi cũng đang chỉ đạo quyết liệt xác định trách nhiệm và sẽ thông báo rộng rãi trên phương tiện đại chúng.
Về bảo hiểm cho các thủy thủ, theo báo cáo, tổng số tiền bảo hiểm Vinalines đã mua là khoảng 45.000 USD/người. Chúng tôi đang chỉ đạo làm thủ tục với bảo hiểm để chuyển lại tiền cho gia đình thân nhân các thủy thủ. Trong nội bộ cán bộ công nhân viên chức Công ty cũng tổ chức quyên góp, kể cả trong ngành, những ai có điều kiện thì hỗ trợ giúp đỡ gia đình thủy thủ. 
Độc giả ở địa chỉ kinhbac3006@...com: Tôi xin có hai câu hỏi. Một là, xin cho biết quan điểm và chỉ đạo của đồng chí với các con đường do địa phương quản lý bị xuống cấp, hư hỏng, ổ gà ổ voi, ví dụ đường Hùng Vương (Việt Trì, Phú Thọ), đường Quốc lộ 1 qua địa phận Hòa Bình, Bắc Ninh… dân có ý kiến thì lãnh đạo tỉnh, huyện bảo phải chờ ngân sách duyệt.
Hai là, đồng chí và Bộ Giao thông vận tải đang tích cực chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội, nhưng cấp dưới của đồng chí đang quản lý theo hệ thống riêng, cho phép một số lượng lớn xe khách trá hình xe chở cán bộ, công nhân viên, xe du lịch vào Thủ đô mọi lúc vì có hiện tượng làm luật. Đồng chí có thể ra khu vực đường Nguyễn Khoái, Lương Yên sẽ thấy rất nhiều.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Về câu hỏi thứ nhất, công tác quản lý duy tu, bảo dưỡng đường còn nhiều bất cập, trong khi chất lượng đường chưa tốt. Do nhiều nguyên nhân như thời tiết, do người sửa chữa, công tác quản lý… nhưng nguyên nhân cơ bản là kinh phí duy tu, bảo dưỡng quá nhỏ. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ về đề án xây dựng Quỹ Bảo trì đường bộ, khi được phê duyệt sẽ có thêm nguồn vốn cho công tác này. Cùng với việc nâng cao chất lượng quản lý, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho địa phương kể cả đường quốc lộ, tình trạng này sẽ được khắc phục, nhất là khi có sự giám sát của nhân dân và của báo chí.
Về ùn tắc giao thông, từ thông tin bạn phản ánh hôm nay, tôi mới nắm được. Tôi xin tiếp thu và sẽ có chỉ đạo kiểm tra vấn đề này. Nếu đúng, phải lại xem các quy định đã đầy đủ, phù hợp chưa, đồng thời xử lý nghiêm túc, công khai và sẽ thông báo cho bạn biết.
Vũ Thu Trang (Tư nghĩa, Quảng Ngãi): Trước đây khi là tư lệnh của ngành dầu khí, tôi biết hàng năm Bộ trưởng thường đón giao thừa trên các công trường, vậy năm nay Bộ trưởng có kế hoạch đón giao thừa tại công trường nào của ngành giao thông không, vợ con ông nghĩ gì ?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thật ra không phải ở Dầu khí, trước đây ở Sông Đà, thường có những công trình trọng điểm của Nhà nước, để động viên anh em ở lại làm việc trong dịp Tết, chúng tôi phân công lãnh đạo đi trực ở các công trường, cùng đón giao thừa với anh em, để họ đỡ nhớ nhà, và hôm sau ra quân làm việc có khí thế. Vì các bạn biết, ở các công trường xa như vậy, mỗi lần mà anh em nghỉ Tết thì phải mất 1 tháng. Mà trong ngày Tết, điều kiện thi công rất tốt.
Về ngành Giao thông vận tải, có nhiều điểm, dự án phải đi, trong khi mọi người nghỉ Tết thì máy bay vẫn phải bay, tàu hỏa, ô tô vẫn phải chạy, nhiều công trường vẫn phải làm. Cho nên chúng tôi đã có phân công trong lãnh đạo của Bộ, trong Ban cán sự, các đơn vị để phối hợp đến tham dự lễ ra quân đầu năm cũng như đến các công trường chúc Tết anh em.
Bản thân tôi dự kiến sẽ chúc Tết cảnh sát giao thông, VOV giao thông, đi công trường sân bay Phú Quốc. Đây là công trình trọng điểm cuối năm nay dự kiến sẽ  hoàn thành và đưa vào sử dụng nên anh em cũng làm trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đây mới là dự kiến, còn có những điều chỉnh khác, vì bản thân chúng tôi là thành viên Chính phủ nên còn phụ thuộc vào sự điều tiết, chỉ huy của Chính phủ.
BTV: Rõ ràng Bộ trưởng cũng đã có kế hoạch đi đón Tết ở các công trường. Giả sử ông thực hiện được kế hoạch đó thì những cán bộ cấp dưới của ông cũng phải đi theo, cũng phải làm việc. Ông có sợ họ buồn không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi nghĩ như thế này, thực ra, lãnh đạo đi ít nhất phải có 1,2 người đi cùng, không phải để cho vui, mà đi cùng là để làm việc. Không có lý do gì mà người lãnh đạo cao nhất còn làm việc mà cán bộ cấp dưới lại không, trừ những hoàn cảnh gia đình… thì ưu tiên cho họ. Điểm được nhất của ngành Giao thông như tôi nói trong những tháng vừa qua là sự đồng lòng, nhất trí, hết lòng hết sức vì công việc, trách nhiệm được nâng cao, ngọn lửa nhiệt tình vì công việc đã được thắp lên từ những cán bộ công nhân lao động cho tới lãnh đạo ngành. Tôi nghĩ họ không có gì phải buồn, hơn nữa đi ăn Tết với Bộ trưởng cũng là cái Tết có ý nghĩa, cũng vui chứ không có vấn đề gì. Nhất là được gặp những người trực tiếp đang làm việc, chẳng nhẽ mình nghỉ, người ta đi làm, mình vui còn người ta buồn? Không phải, trong lao động cũng có niềm vui.
Độc giả ở địa chỉ spphuong90@...com: Bộ trưởng nghĩ sao về tình trạng xe tải quá nặng lưu hành tràn lan hiện nay, khối tài sản cầu đường do toàn xã hội chắt chiu xây dựng qua nhiều thời kỳ, đến nay Bộ vẫn phải vay từng đồng ODA để xây dựng, nhưng đang bị một nhóm vận tải tàn phá nhanh chóng, khiến mất tuổi thọ thiết kế và đứng trước nguy cơ sập đổ. Bộ trưởng có giải pháp gì cấp bách chưa?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đây là một câu hỏi rất thực tế và rất đúng. Bản thân tôi hết sức bức xúc, sốt ruột và xót xa. Đường sá có nhiều loại khác nhau, phù hợp với các loại hình phương tiện vận tải khác nhau, tải trọng khác nhau…, nhưng xe quá tải, quá khổ đi khá tự do. Vừa rồi chúng tôi đã chỉ đạo, phải phân luồng phân làn, loại hình nào phải đi đường sắt, xe nào được đi đường bộ, đồng thời thiết lập lại hệ thống cân để kiểm tra tải trọng, nếu không phù hợp phải đi đường sắt, đường thủy hoặc phải có biện pháp san tải.
Như vậy, cùng với việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mới, phải có trách nhiệm, quản lý, giữ gìn để sử dụng bền vững, an toàn, hiệu quả. Xin cám ơn bạn và chúng tôi đang quyết liệt chỉ đạo việc này.
Ảnh Chinhphu.vn
Kỹ sư Nguyễn Thanh Tuấn ở Ban điều hành dự án Long Phú- Công ty cổ phần phát triển đô thị dầu khí, thuộc Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam PVC hỏi: Theo tin thời sự trên VTV1 đưa vài ngày nay về tình trạng giao thông của các xã miền núi huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam là tiến độ thi công chậm, đường lầy lội, không thể đi lại và đưa hàng Tết về với đồng bào. Khi đó, Tết cổ truyền đã đến cận kề, Bộ trưởng có chỉ đạo gì khắc phục tình trạng này để đồng bào đi lại dễ dàng trong dịp Tết và lương thực được đến với đồng bào nói trên trước Tết Nhâm Thìn này?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thực ra, tình hình là do xây dựng thủy điện, chứ đường cũ rất tốt. Năm ngoái 2010, đặc biệt là 2011, thực hiện Nghị quyết 11 nên vốn đầu tư bị giảm sút, khống chế về tăng trưởng tín dụng nên các doanh nghiệp rất khó khăn, trong đó có doanh nghiệp về đầu tư phát triển thủy điện và giao thông. Do đó, tiến độ để trả lại chất lượng đường như cũ bị chậm. Tôi biết việc này và đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, cố gắng khắc phục đến mức tốt nhất để một là vận chuyển được gạo cứu đói của Chính phủ lên cho đồng bào, cho nhân dân. Hết Tết rồi mới đưa gạo lên cho đồng bào, nhân dân thì không được. Thứ hai, cũng cần có giải pháp tạm thời cho giao thông đi lại trong dịp Tết. Sau đó là yêu cầu chủ đầu tư cũng như các nhà thầu tăng tốc để sớm hoàn thành, trả lại con đường này cho địa phương để đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân.
Bạn đọc ở địa chỉ ductrien22@...com: Cháu là sinh viên, cháu rất ủng hộ các đề án mà Bộ trưởng đưa ra. Nhưng cháu xin hỏi, nhiều người dân vẫn thường xuyên đụng vào các cột phân làn, việc phân làn sẽ được thực hiện trong thời gian bao lâu và tại sao cột phân làn không được làm bằng các dải phân cách mềm để tránh nguy hiểm cho người dân.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Việc phân làn, phân luồng là một hình thức tổ chức lại giao thông cho phù hợp… Tuy nhiên, rất nhiều người cũng gọi cho tôi hỏi là tại sao không phân làn cứng mà phân làn mềm để lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, thanh niên tình nguyện cứ phải đứng mà giám sát, tức là có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, như tôi nói, phải tùy điều kiện từng con đường để tổ chức giao thông hợp lý, trong đó có việc phân làn cứng, phân làn mềm. Tôi nghĩ rằng đây là việc làm cần thiết, nhưng cần làm lâu dài.
Bạn Uyên ở địa chỉ email uyenk2@...com: Vấn đề di dời các trường đại học trong nội thành ra ngoài để giảm áp lực giao thông đã được đề xuất từ lâu và được nhân dân, các chuyên gia ủng hộ. Có vướng mắc gì mà sao vẫn chưa triển khai thực hiện được thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Việc di dời như tôi nói lúc đầu là Ban Bí thư, Chính phủ, đã yêu cầu việc di dời các cơ quan nhà nước, trường đại học, bệnh viện ra ngoài nội thành để giảm thiểu tập trung dân cư đông người trong nội đô, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để di dời được các trường ĐH ra ngoài, cần có thời gian và nguồn đầu tư có thể nói là rất lớn. Trong khi đó nguồn đầu tư hiện nay của chúng ta có hạn. Trước đây và hiện nay cũng vậy. Chính vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo hết sức quyết liệt nhưng cũng cần có thêm thời gian. Hơn nữa, cũng cần cân đối nguồn ngân sách thì mới làm được. Chúng ta không thể nóng vội trong triển khai việc này dù đây là việc  hết sức cần thiết.
Bạn Đào Ngọc Tú ở địa chỉ daongoctu@gmail.com: Bộ trưởng có dám công khai chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở mức chi tiết không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi nghĩ việc này không có gì khó, tôi rất muốn và sẽ làm như vậy. Việc làm từng con đường đều có dự toán chi phí được phê duyệt, việc quyết toán từng hạng mục công trình cũng rất chi tiết. Việc làm xong một công trình rồi nghiệm thu, thanh quyết toán, kiểm toán hoàn toàn có thể công khai. Việc này phải làm thường xuyên và buộc phải làm, không phải thích thì làm, không thích thì thôi.
Đỗ Hải An (Trần Phú, Nha Trang), Hoàng Quý Thái (Nghi Sơn, Thanh Hóa): Hiện nay, theo như thông tin từ Bộ GTVT thì hệ thống cảng biển và cảng hàng không từng bước được mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới đáp ứng tốc độ tăng trưởng vận tải bình quân tăng trên 10%/năm. Nhưng thưa Bộ trưởng, liệu có cảng biển, cảng hàng không nào lâm vào tình trạng xây dựng lên nhưng lại hoạt động không hết công suất hoặc hoạt động cầm chừng không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Theo tôi đây là câu hỏi thú vị, nhiều người quan tâm. Có thể nói rằng, để đảm bảo nhu cầu giao thông trong cả nước cũng như quốc tế, chúng ta phát triển đồng bộ các loại hình phương tiện vận tải, trong đó có đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không. Tỷ trọng phát triển cho các loại hình phương tiện này cũng ở mức độ hợp lý. Hiện theo quy hoạch, cả nước chúng ta có 39 cảng biển, 22 cảng hàng không, nhưng hiện nay, phần lớn, gần như 100% các cảng biển, cảng hàng không sử dụng hết công suất, thậm chí vượt công suất rất nhiều. Ví dụ như cảng Hải Phòng, quy hoạch đến năm 2010 có thể đón 10 triệu khách, nhưng hiện nay năm 2011 lên tới hơn 40 triệu khách. Chứng tỏ công tác dự báo, quy hoạch của chúng ta chưa tốt. Mà điều này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong tổng kết đánh giá nhiệm vụ 2011, triển khai nhiệm vụ 2012 vừa rồi, đã chỉ rất rõ những tồn tại, khiếm khuyết của ngành Giao thông vận tải mà trong đó có việc quy hoạch chưa tốt, tầm nhìn chưa sâu, xa, dẫn tới dự báo chưa tốt, quy hoạch chưa tốt và triển khai không phù hợp.
Đây là tồn tại mà chúng tôi sẽ phải khắc phục, hiện nay, các cảng hàng không, cảng biển chúng ta đầu tư như tôi nói hầu hết là sử dụng hết công suất. Thậm chí hiện nay nhiều cảng hàng không chúng tôi đang tập trung mở rộng như T2 Nội Bài, Cảng Tân Sơn Nhất tới 2025-2030 cũng quá tải, cũng chuẩn bị phải đầu tư Cảng Long Thành.
Về cảng biển, hiện ngoài Cảng Cái Mép Thị Vải phía Nam, Chính phủ cũng đang chỉ đạo quyết liệt để đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Lạch Huyện. Còn Cảng Vân Phong thì sẽ là cảng trung chuyển quốc tế, cũng đang kêu gọi đầu tư nước ngoài.  Một số cảng khác như cảng hàng không Phú Bài- Huế, Cảng Cam Ranh… đang có kế hoạch đầu tư mở rộng để nâng cấp để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân cũng như thông thương cho khách quốc tế đi lại.
BTV: Xin gửi tới Bộ trưởng một câu hỏi đại diện: Xin Bộ trưởng cho biết quy trình quản lý đấu thầu các công trình giao thông, làm sao hạn chế các nhà thầu nước ngoài  có năng lực hạn chế tham gia các công trình giao thông ở nước ta; làm thế nào để chống thất thoát vốn, đảm bảo chất lượng và tiến độ mà không tăng tổng mức đầu tư các dự án?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Quy trình quản lý đấu thầu phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, nghị định hướng dẫn của Chính phủ và thông tư của các bộ liên quan. Luật Đấu thầu hiện tại có nhiều bất cập và chúng tôi đã có kiến nghị, báo cáo để sửa đổi để lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất. Tuy nhiên, với các dự án ODA… thường có quy định về các nhà thầu 100% vốn Nhà nước, các nhà thầu của ngành Giao thông vận tải… không được tham gia vì có xung đột lợi ích. Vì vậy, chủ yếu các nhà thầu nước ngoài trúng thầu…
Để xử lý những hạn chế này, trước hết cần phải hoàn thiện đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư… Chúng ta cũng phải làm việc với các đối tác nước ngoài để các nhà thầu trong nước có năng lực mạnh nhất được tham gia đấu thầu một cách bình đẳng… Cùng với các giải pháp khác về quản lý chất lượng, tiến độ…, tình hình này sẽ được cải thiện.
Võ Trần Côn (Hậu Lộc, Thanh Hóa): Thưa Bộ trưởng, tôi là người hay đi làm xa quê hương, chỉ dịp Tết mới dành dụm tiền và thời gian về thăm quê được. Nhưng năm nào cũng phải mua vé tăng gấp đôi. Xe chạy thì ẩu và hầu như là vượt quá số người cho phép. Vậy năm nay Bộ trưởng định xử lí thế nào với vấn nạn xe Tết? Rất mong là tết này những người dân như chúng tôi thực sự được thảnh thơi trên những chuyến xe đúng nghĩa về thăm nhà. Cảm ơn Bộ trưởng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bạn phản ánh rất đúng và đây là thực trạng nhiều năm. Chúng tôi cũng thấy được việc đó và cách đây 1 tháng, chúng tôi cũng đã cho đi kiểm tra việc bán vé tàu, máy bay, ô tô, tổ chức các phương tiện để phục vụ cho người dân đi lại trong dịp Tết, nhất là những người làm xa quê hương, rồi kiểm soát xe chở quá tải. Chúng tôi đã có văn bản chính thức gửi Bộ Công an đề nghị đối với những xe chở quá tải là thu giữ xe 1 tháng, sau đó mới giải quyết. Như vậy mới đảm bảo cho người dân đi lại đảm bảo an toàn, thuận lợi.
Nhưng tôi cũng đề nghị người dân nếu xe quá tải thì không lên và phải có trách nhiệm đấu tranh với lái xe để không để xảy ra tình trạng xe đủ người mà vẫn nhồi nhét khách. Chúng tôi có những đường dây nóng để kịp thời phản ánh những việc đó. Chúng tôi nghĩ là cùng với tăng cường quản lý nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước, rất cần sự phối hợp với người dân, đặc biệt đối với hành khách đi lại trong dịp Tết.  
BTV: Quê tôi cũng ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Thực tế, xe ở xã đi thẳng ra Hà Nội, nếu không đi thì không có phương tiện nào ra vì lượng khách rất đông, nhu cầu rất lớn mà lượng xe chỉ có hạn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Không phải như thế, bây giờ nếu hành khách cứ tiếp tay cho vi phạm là không được. Có cầu thì tất phải có cung. Còn tất nhiên, do sự điều tiết, một phần có tăng giá vé, nhưng cũng có điều ngược lại, ví dụ như vé máy bay từ Hà Nội và TP HCM trước Tết giảm giá rất rẻ, nhưng tuyến ngược lại thì lại cao hơn. Ngược lại, ngoài Tết, từ HN và TP HCM đông nên điều tiết cao hơn một chút, và chiều ngược lại thì giảm. Về tổng thể có thể không thay đổi, nhưng đúng là, vào thời điểm Tết, có tình trạng tăng giá vé. Tốt nhất chúng ta chọn ngày điều tiết giá rẻ để đi, vừa về thăm nhà, vừa mua được giá rẻ hợp lý.  
BTV: Bộ trưởng cảm nhận như thế nào về cuộc đối thoại ngày hôm nay và Bộ trưởng có lường trước được hết những ý kiến mà người dân cả nước đã quan tâm?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi nghĩ rằng những băn khoăn, lo lắng, bức xúc của người dân là hoàn toàn chính đáng với các vấn đề của giao thông vận tải như tai nạn giao thông, ùn ắc giao thông, tiến độ công trình… Có rất nhiều vấn đề trong khi thời gian có hạn, nhiều người có thể chưa nhận được câu trả lời, nhưng tôi mong qua cuộc đối thoại, người dân có thể phần nào chia sẻ, thông cảm, ủng hộ ngành Giao thông vận tải để thực hiện được các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tôi xin nhắc lại là các biện pháp mà chúng ta đang thực hiện lẽ ra phải triển khai từ 10 năm trước, nhưng chúng ta làm chậm hoặc làm mà chưa đạt yêu cầu vì nhiều lý do. Bản thân ngành Giao thông vận tải cũng phải nỗ lực hơn nữa, phối hợp tốt hơn với các bộ, ngành, địa phương.
Nhân dịp năm mới, xin kính chúc khán thính giả đang theo dõi chương trình, chúc toàn thể nhân dân đón năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và an toàn, thực hiện tốt nhất thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ: Giảm tai nạn, ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta. Xin trân trọng cảm ơn.
BTV: Xin cảm ơn Bộ trưởng cũng như đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đã tham dự để đưa tin trong cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân hôm nay.
Cổng TTĐT Chính phủ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét