Trong khi các chuyên gia ngạc nhiên, khẳng định
việc thảm bê tông nhựa giữa trời mưa lớn là quá ẩu, khó đảm bảo chất
lượng thì ông Trưởng ban QLDA TP Hà Tĩnh cho rằng, mưa như thế chưa ăn
thua và nếu chất lượng không đảm bảo thì bỏ đi làm lại!
>> Mưa như trút nước, chủ đầu tư vẫn cho nhà thầu rải thảm bê tông nhựa
Chiều 6/9, PV Dân trí đã có mặt tại BQL các công
trình xây dựng TP Hà Tĩnh (Ban A) để làm rõ lý do vì sao khi trời mưa
như trút nước, chủ đầu tư vẫn cho nhà thầu Công ty CPQL&XD Công
trình giao thông 487 (Khu quản lý đường bộ 4) tiến hành thảm bê tông
nhựa tuyến đường 26/3.
“Mưa thế ăn thua chi”
Mở đầu cuộc làm việc, ông Trưởng ban Phạm Tấn Sinh nhấn mạnh, tuyến
đường 26/3 có chiều dài 2km, là một trong những tuyến đường nội thị
quan trọng của TP Hà Tĩnh. Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường này được
khởi công từ năm 2010, có mức đầu tư 100 tỷ đồng, trong đó chi phí phần
xây lắp 3 gói thầu là 50 tỷ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt
bằng. Cũng vì tầm quan trọng đó, Ban luôn sát sao với tuyến đường này,
trong đó thời điểm công ty 478 thi công trong điều kiện có mưa vào tối
5/9 ngoài Trưởng ban, thì Phó phó ban phụ trách kỹ thuật, cán bộ kỹ
thuật của ban cũng có mặt, giám sát thi công.
Ông Phạm Tấn Sinh, nói nhà thầu tính toán sai nên phải thi công giữa mưa.
Khẳng định đây là tuyến đường quan trọng, tuy nhiên, ông trưởng ban
QLDA TP Hà Tĩnh lại nói không nhớ rõ đơn vị tư vấn giám sát (TVGS) do
chính ông ký, thuê giám sát lịch trình, chất lượng thi công. “Tên giám
đốc thì nhớ, mà tên doanh nghiệp thì để mình nhớ lại tí đã”- ông Sinh
bối rối. Cố nhớ không được, cuối cùng vị trưởng ban đành phải gọi cán bộ
cấp dưới sang cung cấp cho PV.Ông Sinh nói, lý do khiến nhà thầu Công ty 487 thảm bê tông nhựa trong điều kiện có mưa vào tối 5/9 xuất phát từ việc nhà thầu tính toán sai mẻ bê tông nhựa.
“Bữa qua (tối ngày 5/9- PV) hắn đen cái là nhà thầu tính thảm sai
đi. Tính sai, chứ nếu tính đúng thì không bị dính mưa mô. Tính sai, hắn
cắt thảm dẫn đến thiếu thảm, rồi cha con (công nhân, cán bộ kỹ thuật)
quay ra ngồi chờ. Ngồi chờ đến vài tiếng đồng hồ, lại gặp mưa nên anh em
đã nói nhau rồi”- ông Sinh nói.
Trả lời câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất, vì sao trong điều
kiện thời tiết không đảm bảo, trời đổ mưa lớn, chủ đầu tư vẫn để nhà
thầu thi công, ông Sinh nói: mưa như thế vẫn chưa ăn thua. “Làm thảm lo
nhất là mưa, nhưng mưa như thế chẳng là gì cả mà phải bận tâm. Nước mưa
như thế mà gặp nhiệt độ cao thì nó bốc hơi đi chứ có chi mô”- ông Sinh
nói.
Mưa lớn như trút nước nhưng ông Trưởng ban nói "chưa ăn thua"!
Vị trưởng ban lý giải thêm, chuyện thảm bê tông nhựa giữa trời mưa
là chuyện xảy ra như cơm bữa. “Ít có công trình nào mà khi thảm mặt
đường mà không gặp mưa, đó chuyện như cơm bữa” - ông Sinh nói. “Nếu không đạt chất lượng thì bỏ đi làm lại!”
Dù trực tiếp có mặt tại hiện trường, đặc biệt là đại diện Hội KH&KT Cầu đường đường Hà Tĩnh rất nghi ngại chất lượng của mặt thảm do thi công trong điều kiện không đảm bảo như đã nói, thế nhưng ông Sinh lại nói cứng, lo ngại ấy cần phải có cơ sở.
Cụ thể, theo vị trưởng ban này, việc nghi ngại mặt thảm thi công
trong điều kiện mưa như đã nói không đảm bảo là quá cảm tính. “Lo ngại
đó chỉ mang tính cảm tính thôi. Để nói rằng nó có đạt chất lượng hay
không thì ngay cả thi công trong trời nắng cũng khó mà nói rằng nhiệt độ
đạt hay không đạt. Vì thế, phải cho tiến hành bước nữa, khoan cắt, đào
lên kiểm tra mới kết luận được nó đạt hay không đạt”- ông Sinh lý giải.
Một yếu tố khác khiến ông Sinh tự tin về chất lượng mẻ thảm thi
công trong điều kiện mưa lớn, đó là trong quá trình thi công nhà thầu đã
cho xe lu bám sát họng máy phun thảm nên đã hạn chế được nước mưa làm
giảm nhiệt độ của bê tông nhựa.
Chiều
8/9, PV Dân trí quay trở lại công trình đường 26/3, và phần mép mặt
thảm thi công trong mưa vào tối ngày 5/9 bị sụt, trượt thế này
Đáng chú ý, ông Sinh nêu ra quan điểm, nếu mặt thảm không đạt chất
lượng thì có nhiều giải pháp, trong đó đơn giản nhất là cho lột lên, thi
công lại. “Chuyện này không có gì khó cả. Ngay cả ngoài quốc lộ 1 mặt
thảm vừa đổ nhưng đã lượn sóng lên cũng phải lột lên, cắt bỏ làm lại cả
thôi. Ở đây, tuyến đường này mới thảm một nửa đường, mà có nhiều đâu,
chỉ vài chục mét cuối, nếu không đạt thì cho lột lên làm lại. Đơn giản
thôi” – ông Sinh nói.Phóng viên đặt câu hỏi, việc "bỏ đi làm lại" như ông nói, ai sẽ chịu trách nhiệm về hệ lụy thời gian, chi phí? Ông Sinh im lặng không trả lời.
Theo ghi nhận của Dân trí, không chỉ để nhà thầu thi công
ẩu, chủ đầu tư BQLDA TP Hà Tĩnh cũng không giám sát chặt chẽ, để nhà
thầu Công ty 487 tiến hành thi công trong điều kiện khó đảm bảo chất
lượng cho công trình. Cụ thể, mặt đường còn đọng nước như ao nhưng nhà
thầu không cho rút hết để vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thi
công.
Nước đọng sũng trên nền đường, tuy nhiên nhà thầu không cho rút đi
trước khi phủ lớp cấp phối đá dăm (lớp base). Việc thi công cẩu thả này
chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến kết cấu nền đường.
Nhà thầu cho máy gạt lớp cấp phối đá dăm phủ lên nền đường sũng nước.
Trần Đình Nam trích báo Dân Trí ngày 10-9-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét